Trang chủ > Tin tức - Sự kiện > Hoạt động của TCCSĐ trực thuộc > Xây dựng Văn hóa ứng xử của giảng viên và học viên Trường Chính trị tỉnh Gia Lai trong giai đoạn hiệ

Xây dựng Văn hóa ứng xử của giảng viên và học viên Trường Chính trị tỉnh Gia Lai trong giai đoạn hiện nay

06 Tháng Tư 2022
           
          Văn hóa ứng xử là hành vi ứng xử, cách ứng xử của con người đạt giá trị chuẩn mực văn hóa chân - thiện - mỹ, tức là ứng xử có văn hóa; là một lĩnh vực đời sống văn hóa sinh động, phong phú của con người diễn ra hàng ngày. Đó cũng chính là sức mạnh mềm làm nên nét đẹp và là chìa khóa thành công của mỗi người, mỗi tổ chức. Văn hóa ứng xử nói chung và văn hóa ứng xử nơi công sở nói riêng chính là thước đo sự văn minh của mỗi cán bộ, công chức, viên chức hay nói  cách khác chính là sự phản ánh nhận thức của mỗi cá nhân trong môi trường làm việc nơi công sở. Xây dựng văn hóa công sở chính là xây dựng môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện và hiệu quả. Ứng xử có văn hóa nơi công sở mang lại rất nhiều lợi ích góp phần tạo dựng niềm tin, sự đoàn kết, thống nhất của tập thể, từ đó tạo bầu không khí làm việc cởi mở, tích cực, nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc.
          
          Trường Chính trị tỉnh Gia Lai là nơi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Chính vì vậy, việc xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường, đặc biệt là xây dựng văn hóa ứng xử giữa giảng viên với đồng nghiệp, với học viên, với công việc, với chính mình; xây dựng ứng xử giữa học viên với giảng viên, giữa học viên với học viên, học viên với nhiệm vụ học tập và rèn luyện tại trường... Đây là nội dung rất quan trọng được Đảng ủy, Ban Giám hiệu cùng toàn thể cán bộ, giảng viên nhà trường quan tâm. Giảng viên cần nhận thức được rằng: đối tượng học viên của trường Chính trị có những đặc điểm riêng, khác biệt so với học viên các trường khác. Học viên tham gia học tập tại trường Chính trị đã phần đã có chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Học viên đa phần là người có năng lực, trình độ nhất định trên cương vị mà họ đảm nhiệm, kinh nghiệm thực tiễn phong phú... Chính vì vậy, cán bộ, giảng viên cần nhận thức đúng để có cách ứng xử phù hợp, đúng chuẩn mực đối với học viên và ngược lại, học viên học trong môi trường trường Chính trị cũng phải giữ chuẩn mực với cán bộ, giảng viên, có tinh thần thái độ học tập nghiêm túc.
Picture1.jpg

          Căn cứ Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG “Quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” nhằm “Giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa Trường Đảng: Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ Quốc; trách nhiệm trong việc thực thi công vụ; cầu thị, sáng tạo, chất lượng trong đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học; kỷ cương nơi công sở; văn minh trong ứng xử”, trường Chính trị tỉnh Gia Lai đã có Quyết định số 224- QĐ/TCT ngày 28 tháng 7 năm 2021 ban hành Quy chế Văn hóa của Trường Chính trị tỉnh Gia Lai. Bản quy chế nhằm mục đích: “Giữ gìn phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa Trường Chính trị tỉnh: Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; cống hiến trong thực thi nhiệm vụ; cầu thị, sáng tạo chất lượng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học; kỷ cương nơi công sở; văn minh trong ứng xử” đồng thời, đây là một trong các căn cứ để đánh giá, phân loại, khen thưởng viên chức, người lao động hàng năm và học viên cuối khóa; xử lý trách nhiệm khi viên chức, lao động và học viên vi phạm. Tại Mục 2, chương II của bản quy chế đã quy định rất rõ chuẩn mực giao tiếp và ứng xử của viên chức, lao động và học viên. Cụ thể:

          Điều 9: Những quy định chung trong giao tiếp, ứng xử
          Điều 10: Ứng xử của viên chức lãnh đạo, quản lý, tham mưu
          Điều 11: Ứng xử của giảng viên
          Điều 12: Ứng xử của học viên
          Điều 13: Ứng xử của người lao động
          
          Tại Điều 11: Ứng xử của giảng viên đã nêu rõ
         Thứ nhất, trong quan hệ công tác
         + Ứng xử với đồng nghiệp: Giảng viên cần hợp tác hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; chia sẻ thông tin, tri thức, kinh nghiệm; Tôn trọng, góp ý thẳng thắn, đúng mực; không phân biệt, xúc phạm danh dự của đồng nghiệp dưới mọi hình thức, đảm bảo sự đoàn kết trong cơ quan, đơn vị

          + Ứng xử với học viên: Giảng viên cần có thái độ lịch sự, đúng mực khi giao tiếp. Giảng viên cần tôn trọng ý kiến của học viên. Thể hiện phong cách mẫu mực của người giảng viên Trường Chính trị trên giảng đường và trong cuộc sống; không gợi ý tặng quà.
          Thứ hai, đối với công việc:
          Giảng viên cần đảm bảo thời gian làm việc đúng quy định. Luôn có ý thức giữ gìn uy tín, danh dự của cơ quan, đơn vị và bản thân. Thực hiện kỷ luật phát ngôn, không nói, viết và làm những việc trái với lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống lại những lời nói và việc làm sai trái, xuyên tạc, phản động. Khi trả lời, phát biểu, bình luận với các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế mà không được sự ủy quyền của người có thẩm quyền thì phải nêu rõ việc trả lời đó trên danh nghĩa cá nhân, không đại diện, nhân danh trường Chính trị và phải chịu trách nhiệm cá nhân về những thông tin đó.
          Thứ ba, đối với chính mình:
         Giảng viên cần thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm cá nhân và hiệu quả trong công việc. Chủ động cập nhật kiến thức; không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của công việc và sự nghiệp đổi mới; tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu.

          Tại điều 12: Ứng xử của học viên có nêu rõ
          Thứ nhất, trong quan hệ công tác:
          + Ứng xử với cán bộ lãnh đạo, quản lý:
          Tôn trọng ý kiến và chấp hành quy định của Trường Chính trị, quyết định của các cấp lãnh đạo, quản lý; Giữ thái độ khiêm tốn khi trao đổi với cán bộ lãnh đạo, quản lý, ứng xử với viên chức tham mưu, người lao động; Giữ thái độ lịch sự, tôn trọng với viên chức tham mưu, người lao động; có thái độ hợp tác trong giải quyết công việc.
          + Ứng xử với giảng viên:
          Thể hiện thái độ đúng mực trong giao tiếp, ứng xử; Cầu thị khi trao đổi ý kiến, thảo luận trên lớp; không dùng mưu quà tặng để mưu lợi cho cá nhân, tập thể.
          + Ứng xử với viên chức tham mưu, người lao động
          Giữ thái độ lịch sự, tôn trọng; có thái độ hợp tác trong giải quyết công việc.
          + Ứng xử giữa học viên với học viên:
          Chia sẻ, giúp đỡ nhau trong học tập; Đoàn kết không gây bè phái, chia rẽ nội bộ; Xây dựng, duy trì sự kết nối giữa các học viên tỏng lớp, trong trường Chính trị và giữa các thế hệ học viên của trường Chính trị tỉnh
          Thứ hai, Đối với nhiệm vụ học tập, rèn luyện
          Học viên cần tuân thủ nội quy, quy chế, quy định của Trường Chính trị tỉnh; có tinh thần, thái độ học tập nghiêm túc; tích cực trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm; Chủ động, tích cực khai thác các nguồn tài liệu phục vụ việc học tập.
          Thứ ba, Đối với chính mình
          
          Học viên cần thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, rèn luyện lối sống, tác phong chuẩn mực; Đấu tranh với các tiêu cực trong học tập và công tác.
Từ việc xem xét các quy định về văn hóa ứng xử của giảng viên và học viên trong Quy chế văn hóa trường Chính trị tỉnh Gia Lai ta có thể nhận thấy rằng: văn hóa công sở của mỗi cán bộ, công chức cần được chính họ thực hiện thông qua những công việc cụ thể hằng ngày, chứ không phải là sự gượng ép, bắt buộc của một cá nhân, hay tổ chức nào. Tinh thần tự bồi dưỡng, tự học hỏi văn hóa ứng xử cần được kế thừa, tiếp thu ở những môi trường, điều kiện khác nhau, không chỉ bó hẹp trong phạm vi không gian, thời gian nhất định, cần có sự mở rộng, lan tỏa văn hóa ứng xử đến các đối tượng, ngành nghề khác nhau. Mỗi cán bộ, viên chức cần xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng, tự học hỏi văn hóa ứng xử phù hợp với bản thân, với công việc đảm nhiệm, dự kiến những tình huống, sự việc xảy ra trong quá trình thực hiện, thường xuyên kiểm tra, đối chiếu với nội dung, chương trình đã xác định xem mức độ thực hiện đến đâu, để từng bước bổ sung, điều chỉnh, đặt ra những yêu cầu cao cho bản thân trong quá trình tự bồi dưỡng, tự học hỏi.

          Bác Hồ đã nói: Cán bộ là gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay xấu. Thực hiện tốt văn hóa ứng xử của cán bộ, viên chức hiện nay là góp phần đưa tư tưởng của Bác về xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo sự đồng thuận nhất trí về tư tưởng và hành động cách mạng giữa ý Đảng và lòng dân. Mỗi hành động, việc làm của cán bộ, viên chức dù lớn hay nhỏ đều được nhân dân biết rõ thông qua những kênh khác nhau. Vì vậy, văn hóa ứng xử của cán bộ, viên chức hiện nay là sợi dây gắn kết giữa Đảng với nhân dân ngày càng gần gũi, gắn bó máu thịt hơn.

Th.S Nguyễn Thị Hương Giang Khoa Nhà nước và Pháp luật Trường Chính trị tỉnh Gia Lai