Trang chủ > Tin tức - Sự kiện > Hoạt động của TCCSĐ trực thuộc > Về phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tổ chứ

Về phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể trong thực hiện nghiêm túc Kết luận số 21-KL/TW, Quy định số 37-QĐ/TW và Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

16 Tháng Tám 2022
Cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể là lực lượng nòng cốt, trực tiếp quyết định đến kết quả tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh và của cơ quan đơn vị, góp phần xây dựng tổ chức Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Trách nhiệm nêu gương của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể là một trong những nội dung quan trọng, cấp bách trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, như Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25 tháng 10 năm 2021 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" có nêu nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng là do một số cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình; chưa quyết tâm và có biện pháp chỉ đạo đủ mạnh, còn thụ động, trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chưa gương mẫu, mất đoàn kết nội bộ, chưa thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", thậm chí còn cục bộ, lợi ích nhóm, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân; hơn nữa, để tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, ngày 25 tháng 10 năm 2021 Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 37-QĐ/TW “về những điều đảng viên không được làm”. Do đó, việc nêu gương của người đứng đầu cấp ủy phải trở thành việc làm thường xuyên, tự giác và là trách nhiệm, có tác dụng rất lớn trong việc tăng cường niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
 
Xác định vị trí, vai trò quan trọng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ lãnh đạo chủ chốt nói riêng trong công tác xây dựng Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07 tháng 6 năm 2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19 tháng 12 năm 2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25 tháng 10 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên bộ chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương; Quy định số 1614-QĐ/TU, ngày 03 tháng 9 năm 2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về trách nhiệm nêu của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp. Trên cơ sở quy định của Trung ương và chỉ đạo của Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và ban hành các quy định, hướng dẫn, kế hoạch để thực hiện đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế trong từng cơ quan, đơn vị cụ thể như:

- Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan thực hiện trách nhiệm nêu gương bằng đăng ký kế hoạch, bản cam kết; bằng hành động, thống nhất giữa lời nói và việc làm; qua kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ; qua tự giác tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực công tác; qua tự giác vận động gia đình, người thân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

- Nội dung thực hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan về nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; tự giác, gương mẫu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Người đứng đầu phải là người thực hành nêu gương đầu tiên, thể hiện toàn diện trên các mặt về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; trách nhiệm trong công tác; về tự phê bình và phê bình; giữ mối liên hệ mật thiết với quần chúng. Người đứng đầu phải nói đi đôi với làm trong thực hiện nêu gương.

- Để trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy và lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực sự trở thành động lực cho cán bộ, đảng viên, quần chúng noi theo, thì người đứng đầu phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghiêm quy định của Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm. Có lối sống trong sạch, lành mạnh, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Gương mẫu chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức. Đi đầu thực hiện nề nếp, chế độ sinh hoạt đảng, các quy chế, quy định của tổ chức, cơ quan, đơn vị. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, lối sống vụ lợi, thực dụng, cơ hội, lợi ích nhóm; đi đầu trong phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Sẵn sàng nhận, chịu trách nhiệm khi tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình phụ trách xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đồng thời kiên quyết sửa chữa.

- Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải tự giác nêu gương về đức khiêm tốn, giản dị, tác phong sâu sát thực tế, gần gũi thấu hiểu tâm tư, giải quyết kịp thời nguyện vọng, lợi ích chính đáng của cán bộ, đảng viên. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện quan liêu, cửa quyền, hách dịch. Gương mẫu chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao ý thức trách nhiệm và tận tụy với công việc theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Luôn tiên phong, gương mẫu, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý có tình, không lạm dụng chức vụ, quyền hạn để mưu cầu lợi ích cá nhân, cục bộ. Hết lòng chăm lo xây dựng và tăng cường đoàn kết nội bộ. Là tấm gương trong tự phê bình và phê bình, cầu thị, trung thực. Chủ động tự giác nghiêm túc nhận khuyết điểm và có kế hoạch sửa chữa. Không chạy theo thành tích, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, khuyết điểm cho người khác. Trong phê bình phải chân thành, công tâm, trung thực, có lý, có tình. Thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, kiên quyết chống chia rẽ, bè phái, lợi dụng phê bình gây mất đoàn kết…

Để thời gian tới nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể trong thực hiện nghiêm túc Kết luận số 21-KL/TW, Quy định số 37-QĐ/TW và Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức và hành động; phát huy tính tự giác trong tu dưỡng, rèn luyện, tự nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị đối với việc thực hiện trách nhiệm nêu gương. Cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo cơ quan phải nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò và sự cần thiết phải thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương; nắm vững và kịp thời quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các quy định về nêu gương; chủ động xây dựng và gương mẫu thực hiện các kế hoạch, quy định về trách nêu gương của cơ quan, đơn vị; gắn việc thực hiện trách nhiệm nêu gương với thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của các cấp ủy đảng. Nội dung và phương thức thực hiện trách nhiệm nêu gương phải gắn với chức trách, nhiệm vụ của chức danh, thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu.

Hai là, thực hiện trách nhiệm nêu gương phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, gắn với vị trí công tác, với thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu; căn cứ nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Đảng, cụ thể hóa nội dung thực hiện trách nhiệm nêu gương; xác định rõ vai trò và quy định trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc thực hiện trách nhiệm nêu gương để xây dựng các quy chế, quy định thực hiện trách nhiệm nêu gương và công khai các nội dung nêu gương trước tập thể, cán bộ, đảng viên của cơ quan, đơn vị; gắn việc thực hiện nêu gương với việc xây dựng kế hoạch và thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, XIII của Đảng.

Ba là, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Thực hiện Kết luận số 21-KL/TW gắn với Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/05/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh và Quy định số 1614-QĐ/TU, ngày 03 tháng 9 năm 2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về trách nhiệm nêu của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp.

Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên và của các tổ chức đoàn thể. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, ủy ban kiểm tra và bản thân mỗi cán bộ, đảng viên đối với công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về nêu gương đối với cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy dưới, gắn với kiểm tra giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cũng như việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát, việc thực hiện trách nhiệm nêu gương cần có sự tham gia của các tổ chức đoàn thể giám sát và đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời biểu dương, nhân rộng gương người tốt, việc tốt và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định nêu gương.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt của các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị có vai trò quan trọng đối với việc thực hiện trách nhiệm nêu gương. Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp trên đối với việc thực hiện trách nhiệm nêu gương là một giải pháp quan trọng đưa việc thực hiện trách nhiệm nêu gương trở thành nền nếp, hiệu quả. Việc cụ thể hóa nội dung trách nhiệm nêu gương là cơ sở quan trọng thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương. Ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện trách nhiệm nêu gương, là nhân tố bền vững để trách nhiệm nêu gương được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, lan tỏa và có ý nghĩa ra ngoài xã hội. Vì vậy, đề cao trách nhiệm nêu gương cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị là việc làm thường xuyên, liên tục ở các cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Đây là giải pháp thiết thực góp phần xây dựng chi bộ, tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Chi bộ Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy