Ngay khi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021, Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021, Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 06/11/2021, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021, Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022, UBND tỉnh Gia Lai đã chủ động ban hành các văn bản để triển khai thực hiện như: Quyết định số 634/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 về việc thành lập Tổ công tác chuyên trách triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 441/QĐ-UBND ngày 25/7/2021 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Trên cơ sở các văn bản hưởng dẫn của Trung ương và chỉ đạo của UBND tỉnh, các Sở, ngành đã chủ động ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn một cách đồng bộ tới các cấp, các ngành, các địa phương phù hợp với tình hình thực tiễn về các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Sở, ban, ngành và địa phương thiết lập tài khoản đầu mối, tổng hợp, báo cáo trên hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, đảm bảo cập nhật, báo cáo kết quả triển khai thực hiện chính sách đầy đủ, kịp thời theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hàng ngày trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Các địa phương trong tỉnh đã thành lập Ban Điều phối hoặc Tổ công tác để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết. Sau khi có Quyết định thành lập, Ban Điều phối/tổ công tác đã họp phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; ban hành các văn bản hướng dẫn làm rõ một số nội dung về hồ sơ, trình tự thủ tục hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng theo các Nghị quyết, Quyết định trên địa bàn để người dân được biết về các chính sách, đối tượng được thụ hưởng, mức hưởng và điều kiện được hưởng, đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Để chính sách đến với người lao động và người sử dụng lao động, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan như Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện việc thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, tạo mọi điều kiện để người dân được tiếp cận, thụ hưởng chính sách hỗ trợ một cách nhanh chóng và kịp thời; tích cực vận động doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc đảm bảo cuộc sống cho người lao động và các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh. UBND các xã, phường, thị trấn trực tiếp hướng dẫn các hộ dân bị ảnh hưởng kê khai theo quy định, đồng thời rà soát lại các nhóm đối tượng, tránh bị trùng lặp và bỏ sót đối tượng.
Ảnh: Người dân nhận tiền hỗ trợ
Khi nhận được hồ sơ đề nghị của các cá nhân, tổ chức, Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo các cơ quan, công chức chuyên môn chủ động tiến hành kiểm tra, thẩm định hồ sơ đề nghị ngay trong ngày, khẩn trương tham mưu quyết định phê duyệt hoặc Tờ trình đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hỗ trợ cho các đối tượng, kể cả ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần. Quy trình và thủ tục tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trình phê duyệt hỗ trợ tuân thủ đúng quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg và Quyết định số 441/QĐ-UBND. Công tác thẩm định và phê duyệt hỗ trợ chịu sự giám sát thường xuyên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên đoàn lao động các cấp, đảm bảo tính công khai, minh bạch, đúng đối tượng trong quá trình hỗ trợ. Liên đoàn lao động các huyện đã thực hiện kiểm tra giám sát đối với công tác triển khai thực hiện và kết quả chi trả đối với các đối tượng đã có quyết định phê duyệt và kiểm tra hồ sơ đối với các đối tượng đang thực hiện thẩm định. Tại cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã và các tổ chức thành viên đều tham dự họp xét hỗ trợ đối với các đối tượng lao động không có hợp đồng lao động gặp khó khăn, đảm bảo sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình thực thi chính sách. Công tác chi trả được giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận kinh phí trực tiếp chi trả cho đối tượng hỗ trợ, đến nay các địa phương đã xuất ngân sách để cấp kinh phí hỗ trợ các đối tượng lao động tự do.
Tổng kinh phí thực hiện các chính sách đến ngày 07/7/2022 là 226.422.543.341 đồng với 175.943 lượt người lao động. Trong đó: Theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: 66.181.186.012 đồng với 75.248 lượt người lao động; Theo Quyết định số 441/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh: Chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động: 16.249.500.000 đồng với 10.833 lượt người lao động; Theo Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: 143.976.357.329 đồng với 89.825 lượt người lao động; Theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 (chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động): 55.500.000 đồng với 37 lượt người lao động.
Từ năm 2021 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp các địa phương rà soát, thống kê số hộ dân có nguy cơ thiếu đói do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, qua đó đề nghị các địa phương chủ động xuất ngân sách hỗ trợ gạo cứu đói cho người dân, đồng thời tham mưu UBND tỉnh đề xuất Chính phủ cấp hỗ trợ gạo cứu đói cho người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Tổng số gạo cứu đói đã hỗ trợ 03 đợt trong năm 2021 là 1.332.015 kg, hỗ trợ cho 21.704 hộ, 88.801 khẩu.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 (đợt dịch thứ 4), đặc biệt ở các tỉnh thành phía Nam đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, trong đó có nhiều người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập, không có nơi cư trú ổn định, gặp hoàn cảnh khó khăn, cấp bách, có nguyện vọng trở về địa phương; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp các Sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức 05 đợt đón công dân thuộc đối tượng phụ nữ mang thai, người đi khám chữa bệnh, học sinh mầm non, tiểu học và phụ huynh đi cùng bị mắc kẹt tại Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh về địa phương. Đã đón tổng số 1.083 công dân về địa phương (trong đó: 285 phụ nữ mang thai).
Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thực hiện các hoạt động hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội; theo đó, xuất Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh hỗ trợ công dân Gia Lai gặp khó khăn tại tỉnh Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh, số tiền 573 triệu đồng hỗ trợ cho 573 người (1 triệu đồng/người).
Việc triển khai thực hiện công tác phòng chống dịch nói chung và thực hiện các chế độ chính sách hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch covid-19 luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh. Các Sở, ban, ngành và các địa phương đã tích cực chủ động ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Công tác xét duyệt, lập danh sách thủ tục đơn giản, thời gian rút ngắn và được tổ chức công khai, minh bạch dân chủ, theo quy trình; công tác phê duyệt danh sách hỗ trợ được thực hiện kịp thời. Tận dụng tốt thế mạnh của công nghệ thông tin vào hoạt động chỉ đạo điều hành đã góp phần rất lớn vào kết quả thực hiện chính sách. Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động: việc triển khai thực hiện rà soát, lập danh sách được tiến hành từ tổ dân phố, xã, phường với sự tham gia tích cực, ngay từ đầu của các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư bình xét nên mặc dù việc xác định đối tượng rất khó khăn, nhạy cảm nhưng đã hỗ trợ cho những đối tượng khó khăn.
Qua triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Gia Lai ban đầu còn nổi lên một số vướng mắc: Công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn chính sách hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP, Nghị quyết 116/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg và Quyết định số 441/QĐ-UBND tại một số địa phương chưa được triển khai rộng rãi; một số Công chức tiếp nhận hồ sơ và tham mưu thẩm định ở một số địa phương còn có những cách hiểu khác nhau, hiểu chưa đầy đủ về chính sách, do đó, chưa linh hoạt trong việc xử lý, tham mưu; Người lao động và người sử dụng lao động hiểu về các chính sách chưa thật sự đầy đủ, cặn kẽ dẫn đến nhiều hồ sơ đề nghị hỗ trợ gửi đến các cơ quan có thẩm quyền thẩm định còn sai sót, thiếu thủ tục nên trả lại nhiều lần để bổ sung hoàn thiện hồ sơ.
Đến nay cơ bản các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã được hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng.
Trong thời gian tới, để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Gia Lai, cần tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng về các chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; kịp thời trả lời, hướng dẫn giải đáp các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục đôn đốc các đơn vị, địa phương và doanh nghiệp thực hiện hoàn thành các chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; đặc biệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện chi trả hỗ trợ cho người lao động.
Thường xuyên theo dõi, nắm tình hình phản ánh của doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, để tiếp tục tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh và người lao động quay trở lại làm việc trong tình hình thích ứng an toàn, linh hoạt.
Phòng Chính sách Lao động Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh