Gia Lai là một tỉnh miền núi thuộc khu vực Bắc Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 15.510,13 km2, gồm 44 dân tộc anh em cùng sinh sống với dân số hơn 1,636 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 46,3%, chủ yếu là dân tộc Jrai và Bahnar (chiếm gần 43%). Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh 8,11%; hộ cận nghèo 9,21%. Trong đó hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 89,4% tổng số hộ nghèo.
Thời gian qua, mặc dù trong điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hoạt động tín dụng chính sách xã hội được triển khai kịp thời, đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng trên địa bàn.
Ngay sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành kịp thời phổ biến, quán triệt đến đội ngũ cán bộ chủ chốt, tập trung tuyên truyền sâu rộng trong toàn thể cán bộ viên chức, người lao động và nhân dân trong tỉnh nắm vững những nội dung cơ bản về ý nghĩa, tầm quan trọng, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội; gắn công tác tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW với giáo dục, nâng cao nhận thức về hoạt động tín dụng chính sách xã hội; Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) các cấp, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện, xác định rõ từng mục tiêu, nhiệm vụ, biện pháp cụ thể nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách, coi đây là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên của đơn vị.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông báo kết luận số 869-KL/TU ngày 09/12/2019 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; đồng thời, bám sát nội dung Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, căn cứ đặc điểm tình hình, điều kiện cụ thể của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản số 969/UBND-KTTH ngày 20/7/2021 về việc triển khai Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư; xây dựng Kế hoạch hành động số 144/KH-UBND ngày 20/01/2022 nhằm cụ thể hóa các nội dung theo Quyết định số 1630 của Thủ tướng Chính phủ; tại các huyện, thị xã, thành phố, cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đến các cấp, các ngành trên địa bàn. 17/17 huyện ủy, thị ủy, thành ủy và Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW và Quyết định 1630 của Thủ tướng Chính phủ.
Bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là sau đại dịch Covid-19, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH, bảo đảm đủ nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chỉ đạo lồng ghép vốn tín dụng chính sách với việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025. Kịp thời chỉ đạo triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; triển khai các chương trình tín dụng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/NĐ-CP của Chính phủ.
Vốn tín dụng chính sách đã triển khai đến 100% các xã, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; bình quân hàng năm tăng trưởng tín dụng từ 10% trở lên; hàng năm, UBND tỉnh và UBND 17/17 huyện, thị xã, thành phố ưu tiên dành một phần ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến 30/4/2024 tổng nguồn vốn ủy thác là: 470 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,6% nguồn vốn, tăng 440 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW (trong đó: ngân sách tỉnh tăng 254 tỷ đồng, ngân sách các huyện, thành phố tăng 186 tỷ đồng).
Đến 30/4/2024, tổng dư nợ NHCSXH tỉnh đạt 7.146 tỷ đồng, tăng 4.354 tỷ đồng so với năm 2014, với 155.329 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Tổng doanh số cho vay từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay đạt 16.450 tỷ đồng, với 522.233 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Trong đó, cho vay đối với hộ đồng bào dân tộc thiếu số đạt 7.767 tỷ đồng (chiếm 47,2% tổng doanh số cho vay), với 248.717 hộ vay vốn.
Vốn vay các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần tích cực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS & MN trên địa bàn.
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, có thể thấy Chỉ thị 40-CT/TW đã đi vào cuộc sống, có tác động tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói riêng và công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn nói chung; làm thay đổi một cách sâu sắc về nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội. Từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, cả hệ thống chính trị vào cuộc, đưa hoạt động tín dụng chính sách xã hội không ngừng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, nâng cao vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường đến với những đối tượng dễ bị tổn thương nhất và là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế quan trọng, kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, thể hiện sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với tình hình kinh tế, xã hội tại địa phương.
Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội đã nâng cao trách nhiệm trong việc rà soát bổ sung, xác nhận đối tượng thụ hưởng, bình xét cho vay công khai, minh bạch; thường xuyên chỉ đạo củng cố nâng cao chất lượng tín dụng; quan tâm bố trí địa điểm, đảm bảo an toàn cho NHCSXH hoạt động tại Điểm giao dịch xã; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương chính sách của Chính phủ về tín dụng chính sách ưu đãi, thường xuyên rà soát củng cố nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn, tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả.
Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã làm tốt hơn chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, qua đó góp phần công khai được các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về các chính sách tín dụng ưu đãi, tạo được lòng tin của nhân dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động của NHCSXH.
Tín dụng chính sách xã hội kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư đến nay đã giúp cho 522.233 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; giúp 55.555 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giúp cho 15.352 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đi học; tạo điều kiện cho 52.478 lao động vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, tăng thu nhập; giúp 233 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng 233.659 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt chuẩn quốc gia; hỗ trợ xây dựng 3.022 căn nhà cho hộ nghèo và người dân tộc thiểu số. Các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH được triển khai kịp thời, có hiệu quả, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương, cụ thể giai đoạn 2014 - 2015 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 23,73% còn 11,36%; giai đoạn 2016 - 2021 giảm từ 19,71% xuống còn 16,55%; giai đoạn 2021 - 2023 giảm từ 12,09% xuống còn 8,11% cuối năm 2023; 91 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế ở nông thôn.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo, nhất là phát huy vai trò Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong quản lý hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở cơ sở; Các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc có kiến nghị, đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội nhằm huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tín dụng chính sách xã hội; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH mở rộng huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân và xã hội; từng bước mở rộng đối tượng chính sách xã hội được vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với mục tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hằng năm và trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 05 năm các sở, ban ngành có liên quan chủ động xây dựng kế hoạch dự toán ngân sách, cân đối nguồn lực, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định ủy thác sang NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn hỗ trợ cho người nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù, tranh thủ nguồn vốn Trung ương, chủ động thực hiện tốt việc huy động nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trên thị trường, quản lý và sử dụng nguồn vốn mở rộng cho vay có hiệu quả; trong cho vay đảm bảo đúng đối tượng, giải ngân vốn kịp thời vụ, phối hợp lồng ghép hỗ trợ kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn kiến thức làm ăn nhằm nâng cao hiệu quả vốn vay. Ưu tiên tập trung vốn cho vay vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiệu số, đáp ứng đủ vốn để hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo bền vững.
Lê Văn Chí – Bí thư Chi bộ, Giám đốc NHCSXH tỉnh Gia Lai