Chi bộ Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy có tổng số 29 đảng viên, trong đó có 01 đảng viên dự bị, đa số cán bộ, công chức cơ quan là đảng viên. Trình độ chuyên môn: Thạc sỹ 07/29 đồng chí; đại học 22/29 đồng chí. Về trình độ lý luận chính trị: Cao cấp, cử nhân 23 đồng chí; trung cấp 03 đồng chí. Chi bộ được chia thành 04 tổ đảng tương ứng với 03 phòng nghiệp vụ và Văn phòng Cơ quan, tổ trưởng tổ đảng là các đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, lãnh đạo các phòng Nghiệp vụ Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và mỗi tổ đảng đều có 01 đồng chí trong Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cùng tham gia sinh hoạt. Chi bộ có nhiệm vụ lãnh đạo cán bộ, đảng viên thực hiện nhiệm vụ chính trị của Cơ quan trong là tham mưu cho Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng. Một trong những nhiệm vụ góp phần vào thành công chung của công tác này có việc nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình địa bàn làm nhiệm vụ giám sát thường xuyên theo qui định của Đảng.
Trong những năm qua, công tác nắm tình hình địa bàn làm nhiệm vụ giám sát thường xuyên luôn được quan tâm, chú trọng, ngày càng đi vào nề nếp; vai trò của cán bộ theo dõi địa bàn được nâng cao, thẩm quyền, trách nhiệm được xác định cụ thể, rõ ràng; cán bộ theo dõi địa bàn đã tham dự các cuộc họp, hội nghị của địa phương khi được mời và được phân công. Mối quan hệ giữa cán bộ theo dõi địa bàn với địa phương, cơ quan, đơn vị ngày càng tốt hơn, đóng góp tích cực và được địa phương, cơ quan, đơn vị ghi nhận; các địa phương, đơn vị cũng đã tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ theo dõi địa bàn thực hiện nhiệm vụ được giao.
Cán bộ theo dõi địa bàn được phân công phụ trách đã bám sát Quy định giám sát trong Đảng, Quy chế về công tác đối với cán bộ theo dõi địa bàn của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khi thực hiện nhiệm vụ được giao; đánh giá, nhận định tương đối đầy đủ về hoạt động của các tổ chức đảng, đảng viên thuộc phạm vi theo dõi, kịp thời phát hiện một số hạn chế, thiếu sót để báo cáo, đề xuất với Thường trực Ủy ban Kiểm tra xem xét, quyết định chuyển sang giám sát chuyên đề hoặc kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm…; thường xuyên theo dõi trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị được phân công phụ trách đảm bảo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo trình tự, thủ tục, quy trình quy định góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.
Công tác nắm tình hình địa bàn là một trong những nghiệp vụ cơ bản, xuyên suốt thể hiện chức năng kiểm tra, giám sát của Đảng; là cơ sở, điều kiện đảm bảo cho chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng được thực hiện đúng; là công cụ chống cái sai, cái xấu, để xây cái đúng, cái tốt, cái mới tiến bộ giúp cho kỷ cương, kỷ luật của Đảng được nghiêm minh.
Phương pháp giám sát của Đảng chỉ có thể được phát huy tối đa hiệu quả khi các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là Ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện tốt công tác nắm tình hình đối với bất kỳ tổ chức đảng và đảng viên của mình. Có thể thấy, nắm tình hình là biện pháp quan trọng, là hoạt động ban đầu có ý nghĩa quyết định đến việc lựa chọn nội dung, đối tượng, phương pháp tiến hành công tác giám sát đối với bất kỳ tổ chức đảng, đảng viên ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào.
Căn cứ Quy định của Bộ Chính trị về giám sát trong Đảng, Hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về thực hiện một số Điều trong Quy định của Bộ Chính trị về giám sát trong Đảng([1]). Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chương trình kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ và hằng năm([2]); ban hành chương trình kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ và hằng năm của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy([3]):
- Cấp ủy các cấp đã phân công và điều chỉnh phân công các đồng chí cấp ủy viên, cán bộ theo dõi địa bàn, lĩnh vực thực hiện nhiệm vụ giám sát thường xuyên; định kỳ nghe báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ. Qua đó, kịp thời cho ý kiến chỉ đạo giải quyết những vấn đề mới phát sinh ở cơ sở([4]).
- Ủy ban kiểm tra các cấp đã ban hành văn bản phân công và thực hiện nghiêm túc việc phân công cán bộ, công chức cơ quan ủy ban kiểm tra phụ trách địa bàn, lĩnh vực thực hiện nhiệm vụ giám sát thường xuyên([5]), góp phần quan trọng trong việc tham mưu, xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp.
- Cấp ủy các cấp giám sát giám sát chuyên đề với 910 lượt tổ chức đảng, 5.089 lượt đảng viên. Qua giám sát, phát hiện 01 tổ chức đảng, 05 đảng viên có dấu hiệu vi phạm, đã giao ủy ban kiểm tra cùng cấp tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm theo quy định. Đối với các tổ chức đảng, đảng viên có những thiếu sót, khuyết điểm, đã nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời.
- Ủy ban kiểm tra các cấp giám sát chuyên đề với 739 lượt tổ chức đảng, 1.242 lượt đảng viên. Qua giám sát, phát hiện 01 đảng viên có dấu hiệu vi phạm, đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm theo quy định; yêu cầu các tổ chức đảng, đảng viên có hạn chế, khuyết điểm tổ chức kiểm điểm nghiêm túc và có kế hoạch khắc phục. Cùng với đó, ban hành thông báo phân công và điều chỉnh phân công cán bộ, công chức theo dõi địa bàn, lĩnh vực thực hiện nhiệm vụ giám sát thường xuyên([6]); ban hành Quy chế công tác đối với cán bộ theo dõi địa bàn, lĩnh vực([7]) và mẫu báo cáo kết quả giám sát, nắm tình hình địa bàn, lĩnh vực và yêu cầu cán bộ, công chức báo cáo kết quả giám sát, nắm tình hình địa bàn trong tháng theo quy định([8]).
Tuy nhiên, công tác này trong thời gian qua còn có một số khó khăn, vướng mắc từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: Cán bộ theo dõi địa bàn có lúc chưa chủ động bám, nắm địa bàn; việc nắm tình hình địa bàn, lĩnh vực có thời điểm chưa chắc, chưa kỹ, chưa sâu; thiếu thông tin toàn diện về tình hình địa phương, đơn vị thuộc địa bàn phụ trách; có những việc dư luận báo chí, đơn thư phản ảnh mới biết nhưng khi được phân công xác minh, làm rõ thì nhận định, đánh giá thiếu chính xác; việc nghiên cứu các văn bản gửi đến cơ quan được phân công phụ trách còn hạn chế nên việc nhận định, phát hiện được những sai sót cơ bản để hướng dẫn cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp dưới khắc phục và điều chỉnh. Để thực hiện tốt công tác nắm tình hình địa bàn trong công tác kiểm tra, giám sát theo quy định của Đảng, chủ động phát hiện dấu hiệu vi phạm của tố chức đảng cấp dưới và đảng viên để kiểm tra cần tập trung thực hiện một số giải pháp chính sau đây:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo dõi, nắm tình hình địa bàn theo quy định, kịp thời phát hiện chấn chỉnh, khắc phục hoặc chuyển thông tin để tiến hành thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát theo quy định.
Thứ hai, nâng cao nhận thức, bản lĩnh, tính chiến đấu, tính chủ động, nhạy bén của cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong công tác nắm tình hình, phát hiện dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên, đề xuất việc xác định và quyết định kiểm tra sát, đúng và trúng.
Thứ ba, các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp chủ động phối hợp thực hiện tốt công tác nắm tình hình, thông tin, trao đổi, cung cấp hồ sơ, tài liệu về dấu hiệu vi phạm, đơn thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức đảng và đảng viên để phục vụ tốt việc phát hiện và xác định dấu hiệu vi phạm; thực hiện việc mời thành viên, cán bộ ủy ban kiểm tra phụ trách, theo dõi lĩnh vực, địa bàn dự họp để thực hiện chức năng giám sát theo quy định.
Thứ tư, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát, nhất là những trường hợp mới tiếp nhận, làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng về kỹ năng, nghiệp vụ và tổ chức nắm tình hình hoạt động của tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên thuộc địa bàn được phân công theo dõi hoặc phụ trách.
Thứ năm, thường xuyên sơ kết, rút kinh nghiệm, tổ chức hội nghị, hội thảo trao đổi, tọa đàm bằng nhiều hình thức thiết thực, phong phú, rút kinh nghiệm thực hiện công tác nắm tình hình địa bàn để rút kinh nghiệm và đề ra chú trương, biện pháp, hình thức thực hiện có chất lượng, hiệu quả hơn công tác nắm tình hình địa bàn.
Thứ sáu, tăng cường quan hệ nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với các đảng bạn và giữa UBKT các cấp ủy trực thuộc Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, trong đó có công tác nắm tình hình, phát hiện dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên.
Trên đây, là một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình địa bàn làm nhiệm vụ giám sát thường xuyên theo quy định của Đảng. Một số giải pháo này, được đúc kết qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp thuộc Đảng bộ tỉnh trong thời gian qua, với tinh thần chia sẽ, Chi bộ Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy mong rằng các giải pháp nêu trên được cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ Khối vận dụng trong tình hình mới, góp phần nâng cao nhận thức, chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong thời gian tới, góp phần thiết thực vào công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Khối đạt được nhiều kết quả tích cực.
Ưng Đình Khánh - Chi ủy viên, Chi bộ Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy
([1]) Quy định số 86-QĐ/TW, ngày 01 tháng 06 năm 2017 của Bộ Chính trị về giám sát trong Đảng và Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW, ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về Hướng dẫn thực hiện một số Điều trong Quy định số 86-QĐ/TW của Bộ Chính trị về giám sát trong Đảng; Quy chế số 01-QC/UBKTTW, ngày 13 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về công tác đối với cán bộ, tổ theo dõi địa bàn của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
([2]) Chương trình số 05-CTr/TU, ngày 27 tháng 11 năm 2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ 2020 - 2025; Chương trình số 07-CTr/TU, ngày 27 tháng 11 năm 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiểm tra, giám sát năm 2021; Chương trình số 27-CTr/TU, ngày 22 tháng 12 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiểm tra, giám sát năm 2022; Chương trình số 49-CTr/TU, ngày 13 tháng 01 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiểm tra, giám sát năm 2023. Chương trình số 74-CTr/TU, ngày 26 tháng 12 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiểm tra, giám sát năm 2024...
([3]) Chương trình số 01-CTr/UBKTTU, ngày 23 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy về kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ 2020 - 2025; Chương trình số 02-CTr/UBKTTU, ngày 23 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy về kiểm tra, giám sát năm 2021; Chương trình số 03-CTr/UBKTTU, ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy về kiểm tra, giám sát năm 2022; Chương trình số 04-CTr/UBKTTU, ngày 16 tháng 01 năm 2023 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy về kiểm tra, giám sát năm 2023; Chương trình số 05-CTr/UBKTTU, ngày 26 tháng 12 năm 2023 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy về kiểm tra, giám sát năm 2024.
([4]) Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã ban hành Báo cáo số 123-BC/UBKTTU, ngày 24 tháng 11 năm 2022 tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ giám sát thường xuyên năm 2022 của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các kiến nghị, đề xuất của một số đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua thực hiện nhiệm vụ giám sát thường xuyên .
([5]) Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã ban hành Thông báo số 01-TB/UBKTTU, ngày 06 tháng 10 năm 2020; Thông báo số 38-TB/UBKTTU, ngày 31 tháng 8 năm 2021 và Thông báo số 119-TB/UBKTTU, ngày 20 tháng 02 năm 2023 phân công cán bộ, công chức phụ trách địa bàn, lĩnh vực thực hiện nhiệm vụ giám sát thường xuyên.
([6]) Thông báo số 01-TB/UBKTTU, ngày 06 tháng 10 năm 2020 và Thông báo số 119-TB/UBKTTU, ngày 20 tháng 02 năm 2023 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy phân công cán bộ, công chức phụ trách địa bàn, lĩnh vực thực hiện nhiệm vụ giám sát thường xuyên.
([7]) Quy chế số 01-QC/UBKTTU, ngày 14 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy về công tác đối với cán bộ, tổ theo dõi địa bàn của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
([8]) Quyết định số 280-QĐ/UBKTTU, ngày 07 tháng 5 năm 2020 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy về ban hành mẫu báo cáo kết quả giám sát, nắm tình hình địa bàn, lĩnh vực và yêu cầu cán bộ, công chức báo cáo kết quả giám sát, nắm tình hình địa bàn .
Ưng Đình Khánh - Chi ủy viên, Chi bộ Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy