Trang chủ > Tin tức - Sự kiện > Hoạt động của TCCSĐ trực thuộc > Ngành điện xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số

Ngành điện xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số

06 Tháng Mười 2021
          
          Sau hơn 03 năm thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU,  ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về xây dựng làng nông thôn mới (NTM) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đến nay, toàn tỉnh Gia Lai đã có 83 thôn, làng đạt chuẩn NTM. Tạo ra một diện mạo mới trong các vùng DTTS, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Một trong những thành công được cấp ủy, chính quyền các cấp đúc rút, tổng kết thành kinh nghiệm xây dựng làng NTM vùng đồng bào DTTS là phải huy động mọi nguồn lực cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, ngành điện được đánh giá đã có nhiều đóng góp trong xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế cho đồng bào.

          Làng Pông, Hek, Trớ và Kinh Pêng là 4 làng DTTS đặc biệt khó khăn của xã Chư A Thai  Phú Thiện,  Gia Lai. Cư dân phần lớn người dân tộc Ba Na, sống chen chúc, chật chội, không phân định ranh giới giữa các gia đình. Hệ thống điện, đường giao thông tạm bợ và thiếu nước sạch. Thậm chí một số hộ tự ý di dời lên sống trên núi Cheng Leng HBông, Chư Sê, tỉnh Gia Lai với “4 không”: không điện, không nước sạch, không trường học, không trạm y tế; tỷ lệ hộ nghèo của 4 làng lên đến 55%.

          Trước thực trạng đó, huyện Phú Thiện và tỉnh Gia Lai tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại dân cư theo tiêu chí xây dựng làng NTM. Ngành điện vào cuộc, đầu tư trên 3,33 tỷ đồng, xây dựng 4 trạm biến áp 3 pha với tổng dung lượng 620kVA, hơn 0,22km đường dây 22kV và gần 7 km đường dây hạ áp; hỗ trợ đồng bào lắp đặt toàn bộ hệ thống điện trong nhà và triển khai chương trình “Thắp sáng đường quê” để chiếu sáng những con đường tăm tối trước đây.
Ông Đinh Tuy, Bí thư Chi bộ làng Pông phấn khởi cho biết: “Khi hệ thống hạ tầng tốt, cấp ủy, chính quyền triển khai xây dựng cánh đồng lớn có tổng diện tích 87,1ha đối với cây mía, nhằm chuyển từ đất trồng lúa rẫy, mì kém hiệu quả sang trồng mía cho thu nhập cao. Trồng mẫu 97 vườn rau cho 107 hộ; chuyển giao nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi và tạo điều kiện cho người dân vay vốn ngân hàng chính sách xã hội để phát triển kinh tế. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 29,7%, đời sống của đồng bào được cải thiện đáng kể”.

          Mặt khác qua khảo sát tại huyện Đak Pơ,  Gia Lai chúng tôi ghi nhận, huyện đã có 4 xã được công nhận đạt chuẩn NTM là: Tân An, Hà Tam, Cư An và Phú An. Các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên, trong đó tiêu chí số 4 về điện được hoàn thành từ rất sớm, tạo điều kiện, tiền đề để hoàn thành tiêu chí khác. Xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS theo Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hiện huyện Đak Pơ đang triển khai xây dựng NTM tại các làng Jun (xã Yang Bắc), làng Groi (xã Ya Hội), làng Bung Bang Hven (xã Yang Bắc), làng Kuk Kôn (xã An Thành) và làng Đê Chơ Gang (xã Phú An).

          Ông Võ Viết Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Yang Bắc -  Đak Pơ, cho biết: “Xã đã đạt 17/19 tiêu chí NTM. Quá trình xây dựng, Đảng ủy, HĐND, UBND đã chọn xã các tiêu chí về cơ sở hạ tầng như: Điện, đường, trường, trạm làm trước, tạo tiền đề, cơ sở xây dựng các tiêu chí khác. Đặc biệt, có điện người dân ở các làng đồng bào DTTS - “vùng lõm về văn hóa, kinh tế” cũng có thể ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, triển khai các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Nhờ đó, năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 27,3 triệu đồng thì đến năm 2020 đã tăng lên 35,72 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 37% (năm 2015) xuống còn 6,77% (năm 2020).

          Trao đổi với ông Lê Quang Trường, Phó Bí Thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai chúng tôi được biết, việc thực hiện tiêu chí số 4 về xây dựng NTM là “hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật” và “tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn” ở tỉnh Gia Lai rất khó khăn. Vì địa bàn của tỉnh rộng, nhiều rừng núi, các làng DTTS lại phân tán ở vùng sâu, vùng xa; nhưng bằng quyết tâm cao và sự nỗ lực không ngừng ngành điện đã triển khai thực hiện tiêu chí số 4 một cách hiệu quả.                                                         
Tác giả: Công ty Điện lực Gia Lai