Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Gia Lai (Chi nhánh) là thành viên của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Gia Lai theo Quyết định 734/QĐ-UBND ngày 22/10/2022. Thực hiện Kế hoạch số 2422/KH-UBND ngày 08/9/2023 của Ủy Ban nhân dân tỉnh Gia Lai về việc triển khai Ngày Chuyển đổi số tỉnh Gia Lai năm 2023, Chi nhánh đã phát huy tinh thần hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia hàng năm, triển khai Ngày chuyển đổi số năm 2023 đến các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn với chủ đề của Ngày Chuyển đổi số năm 2023 là ” Khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị”.
Chi nhánh cùng các TCTD trên địa bàn đã triển khai đến toàn thể cán bộ công chức, người lao động (CBCC,NLĐ) toàn ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng tuyên truyền cho Ngày Chuyển đổi số năm 2023. Tăng cường công tác tuyên truyền nội bộ nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của CBCC, NLĐ về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số. Cử CBCC, NLĐ tham gia các lớp đào tạo về chuyển đổi số do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị tổ chức.
Nhiều hoạt động đã được tiến hành như: tuyên truyền về Ngày chuyển đổi số trên Trang chủ của các Ngân hàng và trên nền tảng Zalo, Facebook; thực hiện chương trình “Mở APP ngân hàng nhận quà”; tuyên truyền cổ động trực quan, sinh động trên các biển hiệu, màn hình điện tử về Ngày chuyển đổi số tại trụ sở làm việc cơ quan với nội dung “Dữ liệu số: nền tảng cho sự đổi mới và phát triển bền vững”. Thời gian tuyên truyền: từ ngày 22/9/2023 đến ngày 10/10/2023.
Bên cạnh đó các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhân rộng mô hình thanh toán không dùng tiền mặt, các mô hình sử dụng công nghệ số, hướng dẫn khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tiện ích trên nền tảng công nghệ số như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, mua sắm trực tuyến, thanh toán dịch vụ công trực tuyến, mở tài khoản thanh toán trực tuyến và đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt), thanh toán qua mã QR, ePIN, Alias… một cách an toàn, hiệu quả.
Trong thời gian tuyên truyền hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số, các sản phẩm Ngân hàng số đã được triển khai đến người dân, các dịch vụ về thanh toán không dùng tiền mặt cũng như doanh số thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn đã được tăng lên.
Triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt theo Quyết định số 2606/QĐ-NHNN ngày 17/12/2021 và Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN, ngày 11/5/2021. Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, mô hình kinh doanh sáng tạo để phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ, gia tăng tiện ích, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực công nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục, thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thanh toán qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Phát triển, hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ thanh toán, cải tiến hệ thống thanh toán nội bộ, đảm bảo hoạt động an toàn, thông suốt, kết nối, tích hợp liền mạch với các dịch vụ thuộc các ngành, lĩnh vực khác để mở rộng hệ sinh thái số. Nghiên cứu, triển khai ứng dụng các giải pháp kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, khai thác thông tin căn cước công dân gắn chíp, phục vụ định danh, xác thực khách hàng và làm sạch cơ sở dữ liệu khách hàng.
Tăng cường các giải pháp giám sát, phát hiện, báo cáo, ngăn ngừa kịp thời các giao dịch vượt ngưỡng, giao dịch đáng ngờ, các giao dịch thực hiện không đúng quy định của pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc ngăn ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; báo cáo kịp thời NHNN tỉnh những vấn đề phát sinh mất an ninh, an toàn trong cung ứng dịch vụ.
Chủ động nắm bắt và phản hồi kịp thời phản ánh dư luận về những vấn đề liên quan đến dịch vụ thanh toán của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Xử lý theo đúng quy định khi phát sinh rủi ro, gian lận, đảm bảo quyền lợi của các bên; đồng thời báo cáo NHNN tỉnh để tổng hợp báo cáo NHNN.
Tích cực tham gia triển khai các chương trình giáo dục tài chính để triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và các Đề án của Chính phủ, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho khách hàng nhằm giảm rủi ro trong sử dụng dịch vụ, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng sản phẩm dịch vụ. Với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng là một trong những yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia nói chung và thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác nói riêng.
Đến nay, nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư, cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chip hoặc ứng dụng VNelD; làm sạch thông tin khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng dữ liệu dân cư...
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, các Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai rất nhiều hình thức mở tài khoản cho khách hàng là cá nhân và doanh nghiệp với nhiều hình thức khác nhau đa dạng và phong phú. Mỗi năm có trên 200.000 tài khoản mới được mở và hoạt động. Số lũy kế đến thời điểm 15/11/2023 là 1.744.370 tài khoản trên địa bàn, chiếm trên 86% dân số trên địa bàn có tài khoản tại Ngân hàng. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng trên địa bàn cũng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân, hộ cá thể, doanh nghiệp thực hiện thanh toán, giao dịch, mua bán bằng hình thức chuyển khoản để an toàn trong thanh toán.
Mỗi tài khoản thanh toán đều gắn với một mã QR của tài khoản, vì vậy người sử dụng tài khoản có thể tạo mã QR trên máy tính, trên điện thoại thông minh với các app ngân hàng hoặc đến ngân hàng để được hướng dẫn.
Hầu hết các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có tài khoản ngân hàng. Tuy tỷ lệ thanh toán, số lượng giao dịch bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tăng mỗi năm nhưng việc sử dụng thường xuyên tài khoản ngân hàng để chuyển khoản trong giao dịch cũng chưa thật sự trở thành thói quen của tất cả người dân. Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng tiến hành nhiều hình thức tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến mãi… để tăng số lượng mở tài khoản cũng như sử dụng thường xuyên giao dịch và hướng dẫn để các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ sử dụng phương tiện thanh toán số, đáp ứng được nhu cầu thanh toán tiện lợi cho khách hàng.
Các TCTD trên địa bàn chủ động bám sát theo lộ trình của Hội sở để triển khai mở rộng giải pháp xác thực người dân qua thẻ căn cước công dân gắn chip và ứng dụng phần mềm VNeID trong một số nghiệp vụ giao dịch ngân hàng như: (i) Xác thực, định danh khách hàng tại quầy giao dịch; (ii) Xác thực, định danh khách hàng từ xa qua mạng Internet (eKYC) để mở tài khoản, thực hiện các giao dịch ngân hàng điện tử, ngân hàng số; (iii) xác thực, định danh khách hàng giao dịch tại ATM, thay thế thẻ ATM do ngân hàng phát hành...
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Gia Lai chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 350/KH-UBND ngày 01/3/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Kế hoạch số 2473/KH-UBND ngày 10/12/2020 thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.685 đơn vị hưởng lương ngân sách nhà nước thực hiện trả lương qua tài khoản với 62.586 thẻ. Toàn tỉnh hiện có 214 máy ATM và 1.135 máy POS. Tất cả các máy đều hoạt động tốt, đảm bảo an toàn, doanh số thanh toán qua thẻ tăng.
Chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay ngành Ngân hàng đã và đang gặp phải một số thách thức, trong đó phải kể đến thách thức về sự đồng bộ và chuẩn hóa các cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi cho kết nối liên thông, tích hợp liền mạch giữa ngành Ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác, nhất là khu vực hành chính công (như y tế, giáo dục,…) để hình thành hệ sinh thái số, cung ứng dịch vụ đa tiện ích cho khách hàng.
Chính vì vậy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số đều đặt ra nhiệm vụ, giải pháp nghiên cứu và triển khai hạ tầng tập trung để cho phép kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu các ngành, lĩnh vực để khai thác, tổng hợp dữ liệu phục vụ xác minh thông tin, phân loại, đánh giá khách hàng, tạo thuận lợi cho khách hàng. Đồng thời, NHNN đã tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối, khai thác dữ liệu, ứng dụng công nghệ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên cơ sở đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật thanh toán trong hoạt động ngân hàng. sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, các dịch vụ ngân hàng khác.
Lãnh đạo NHNN chi nhánh tỉnh Gia Lai dự Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chương trình “ Thanh niên tiên phong chuyển đổi số” giữa Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và BIBV, tỉnh đoàn Gia Lai ký thỏa thuận hợp tác thỏa thuận với BIDV Gia Lai.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ngành, UBND tỉnh, thành phố triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch chuyển đổi số và Đề án 06 của ngành ngân hàng, trong đó tập trung: thúc đẩy chuyển đổi số theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam, bao gồm các chính sách về kết nối, khai thác dữ liệu; đảm bảo các hệ thống ứng dụng ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác, nhất là khu vực hành chính công, mở rộng hệ sinh thái số để phục vụ thanh toán trực tuyến với dịch vụ liền mạch, tiện ích. “Đặc biệt tăng cường công tác đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật thông tin và tiếp tục thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng, tiếp cận các dịch vụ ngân hàng một cách an toàn.’
Nguyễn Thị Kim Ngân – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Gia Lai