Gia Lai là vùng đất được thiên nhiên ban tặng với những điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp đa dạng: vùng đất đỏ bazan màu mỡ ở khu vực phía Tây của Tỉnh nuôi dưỡng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, cao su, chè,…; đồng thời, ở khu vực phía Đông Nam của Tỉnh điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển các loại cây ngắn ngày. Bên cạnh đó là những cánh đồng rộng lớn phù hợp chăn nuôi gia súc như trâu, bò,… Tuy nhiên, những năm gần đây, giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương giảm thấp, tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn còn xảy ra ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, sản xuất của người dân; một số địa phương đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần lớn và các thôn, làng ở cách xa nhau, trình độ canh tác trong nông nghiệp còn thấp,… nên việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng một số nơi còn hạn chế, hiệu quả việc sử dụng vốn vay ở một bộ phận người dân chưa cao.
Với đặc thù về tự nhiên, kinh tế - xã hội nêu trên, đặt ra nhiều trăn trở cho Đảng bộ cơ sở Agribank chi nhánh Đông Gia Lai - với nhiệm vụ chính trị quan trọng là lãnh đạo hoạt động kinh doanh, đặc biệt chú trọng đến công tác tín dụng trên địa bàn; làm cách nào để nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn vay của người dân, thực hiện vai trò chủ lực trong công tác tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn Tỉnh nhà?.
Chuyển tải nguồn vốn tín dụng đến với người nông dân
Để nguồn vốn tín dụng được sử dụng hiệu quả, trước tiên phải tìm được phương thức chuyển tải nguồn vốn đến tay người cần, kể cả người dân ở tận những vùng sâu, vùng xa của Tỉnh. Các giải pháp hiệu quả đã và đang được áp dụng đó là: cho vay hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ, cho vay thông qua Tổ vay vốn và Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng.
Sản phẩm ưu việt được triển khai rộng rãi tại khu vực nông thôn hiện nay của Agribank đó là cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ. Căn cứ vào nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, đời sống, tiêu dùng của hộ gia đình, Agribank nơi cho vay và khách hàng sẽ thỏa thuận xác định hạn mức với dư nợ tối đa 300 triệu đồng được duy trì trong thời hạn tối đa 03 năm, mỗi lần rút vốn khách hàng cùng Agribank nơi cho vay lập Giấy nhận nợ phù hợp với mục đích sử dụng vốn, thủ tục rất nhanh chóng, thuận tiện. Việc triển khai có hiệu quả sản phẩm hạn mức quy mô nhỏ bao gồm hạn mức thấu chi không chỉ mở rộng quy mô tín dụng đối với khách hàng cá nhân gắn với việc phát triển các dịch vụ khác mà còn tạo nên hệ sinh thái trong thanh toán không dùng tiền mặt vùng nông thôn, bao gồm: mở tài khoản thanh toán; mở thẻ ATM để cung cấp dịch vụ chuyển tiền, ủy quyền thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông; các khoản chi phí mua hàng hóa, dịch vụ như vật tư phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, vật dụng gia đình, đóng học phí cho con cái, dịch vụ y tế và các dịch vụ đi kèm như: bảo an tín dụng, bảo hiểm xe máy,... nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, từng bước đưa sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng đến với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đến từng hộ gia đình, cá nhân; tạo tiền đề vững chắc để từng bước thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 tại địa bàn tỉnh Gia Lai theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng chính phủ.
Từ năm 2018, Agribank chi nhánh Đông Gia Lai đã triển khai các giải pháp đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân thông qua Tổ vay vốn có ủy thác cho cho tổ trưởng thu lãi tại các đơn vị trực thuộc với mục tiêu đề ra trong 2 năm đầu là: phấn đấu chuyển toàn bộ khách hàng cá nhân có dư nợ từ 200 triệu đồng trở xuống cho vay qua Tổ vay vốn và thực hiện ủy thác cho Tổ trưởng thu lãi; đến nay đã mở rộng dần đến khách hàng có dư nợ từ 300 triệu đồng trở xuống và gắn với việc phát triển dịch vụ. Đến 31/12/2021, Agribank chi nhánh Đông Gia Lai có 911 tổ vay vốn với 17.833 tổ viên và dư nợ 1.927 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 18%/ tổng dư nợ. Trong đó, có 483 tổ hoàn thành ủy thác cho tổ trưởng thu lãi với 14.664 tổ viên và dư nợ 1.680 tỷ đồng.
Để đưa nguồn vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng đến với địa bàn vùng xa, Agribank chi nhánh Đông Gia Lai đã thí điểm triển khai các Điểm giao dịch lưu động bằng xe chuyên dùng trên địa bàn huyện Kbang. Trong năm 2021, đơn vị triển khai 90 phiên giao dịch, phục vụ cho gần 8.000 lượt khách hàng tại địa bàn các xã Sơ Pai, Đak Smar, Krong, Lơ Ku, Sơn Lang, ĐakRong, KonPne, Tơ Tung và xã Kông Lơng Khương.
Đưa nguồn vốn ngân hàng đến khắp các thôn, làng là bước chuyển quan trọng trong việc triển khai thực hiện xã hội hóa công tác ngân hàng, gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các Hội đoàn thể và Ngân hàng trong thực hiện chính sách tam nông, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, hộ gia đình tại mọi vùng, mọi nơi có thể tiếp cận nguồn vốn vay an toàn, nhanh chóng, thuận tiện qua đó góp phần lớn trong hạn chế hoạt động “tín dụng đen” tại địa bàn nông thôn.
Đảm bảo vốn tín dụng được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả
Mục đích sử dụng vốn vay do khách hàng lập theo phương án sử dụng vốn, cán bộ ngân hàng thẩm định mục đích sử dụng vốn vay và ghi cụ thể trong Hợp đồng tín dụng. Việc kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay được cán bộ ngân hàng thực hiện từ khi giải ngân thông qua việc kiểm soát chứng từ chuyển tiền, bảng kê, hóa đơn mua bán hàng hóa, dịch vụ, giấy biên nhận,… đến việc kiểm tra thực tế sử dụng vốn vay tại cơ sở sản xuất kinh doanh cho đến khi khách hàng trả hết nợ vay. Ngoài ra, giám sát việc sử dụng vốn vay của người dân thông qua các Tổ trưởng Tổ vay vốn cũng là kênh quan trọng để đảm bảo nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả.
Mang phồn thịnh đến khách hàng
Để thấy rõ hiệu quả từ đồng vốn vay mang lại cho nông dân, chúng tôi đến thăm nhà Ông Trần Minh Tùng, thôn An Sơn, xã Cư An, huyện Đak Pơ. Đầu năm 2018, ông Tùng vay 200 trăm triệu tại Agribank chi nhánh huyện Đak Pơ Đông Gia Lai để đầu tư chăn nuôi bò. Ông cho biết: “Nhờ có vốn, khu vực chuồng trại chăn nuôi bò trước đây chỉ có vỏn vẹn 20 m², gia đình phải đưa bò đi chăn dắt rất xa, nhất là vào mùa khô không có cỏ cho bò ăn; nay đàn bò gia đình tôi có 9 con, chuồng trại được cải tiến mở rộng lên 120 m² gồm chuồng và khu vực trồng cỏ thả bò. Năm nay, kinh tế gia đình tôi khá hơn trước, có tiền trả bớt nợ ngân hàng, nhà cửa khang trang hơn, các con đều được học hành, trưởng thành và có cuộc sống đầy đủ. Từ tháng 7/2021 đến tháng 12/2021, do ảnh hưởng của dịch covid-19, ngân hàng đã điều chỉnh giảm 10% lãi suất cho vay, đã hỗ trợ cho gia đình tôi bớt khó khăn phần nào, vợ chồng tôi phấn khởi lắm”.

Cán bộ Agribank chi nhánh huyện Đak Pơ Đông Gia Lai kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay tại cơ sở chăn nuôi của Ông Trần Minh Tùng.
Thuận lợi hơn ông Tùng, gia đình ông Nguyễn Thành Chương ở thôn Thắng Trạch 2, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, khu vực đặc trưng với vùng đất đỏ bazan màu mỡ, ông Chương vay vốn Agribank chi nhánh huyện Ia Grai Đông Gia Lai đã được hơn 12 năm. Nhờ chịu khó làm ăn, bám rẫy bám rừng, tận dụng nguồn vốn vay hiệu quả, đến nay gia đình ông Chương có 1,7 ha rẫy cà phê trù phú, trồng xen chanh dây và cây ăn trái; ông sử dụng vốn ngân hàng để bổ sung vốn lưu động chăm sóc cà phê, cải thiện hệ thống tưới tiêu, mở rộng sân phơi,… nên việc sản xuất khá thuận lợi, kể cả vào mùa khô. Mặc dù những năm gần đây, giá cả nông sản hạ thấp nhưng thu nhập bình quân mỗi năm gia đình ông vẫn đạt khoảng 300 triệu đồng. Năm nay, hoa cà phê lại nở trắng xóa những vạt đồi, những con đường Tây nguyên dự cho một mùa cà phê bội thu.
Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng của Agribank chi nhánh Đông Gia Lai, cuộc sống của người nông dân đã ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn đổi mới, vấn nạn “tín dụng đen” được đẩy lùi. Nguồn vốn tín dụng thực sự “mang phồn thịnh đến khách hàng” như chính sứ mệnh Agribank đề ra, đưa Nghị quyết Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa X trong lĩnh vực tam nông đi vào cuộc sống.
Võ Quỳnh Anh – Chi bộ 2 Đảng bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Đông Gia Lai.