Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”(1). Điều đó cho thấy rằng: lý luận và thực tiễn luôn gắn bó mật thiết với nhau và phương châm hàng đầu của giảng dạy và học tập lý luận chính trị là “học đi đôi với hành”, “lý luận gắn với thực tiễn”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: giáo dục lý luận là nhiệm vụ quan trọng,“mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận, lý luận suông” (1). Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên “phải nghiên cứu thực tế, kinh nghiệm thực tế..., tự mình tìm ra phương hướng chính trị có thể làm những công việc thực tế, có thể trở nên người tổ chức và lãnh đạo, thế là lý luận thiết thực, có ích” (2). Giảng viên lý luận chính trị không những là đảng viên mà còn là người trực tiếp bồi dưỡng, đào tạo đảng viên, là cán bộ của Đảng và Nhà nước. Giảng viên là người trực tiếp truyền đạt kiến thức khoa học lý luận chính trị và hướng dẫn học viên cách thức vận dụng lý luận đó để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tế. Do đó, việc nghiên cứu thực tế, gắn lý luận với thực tiễn là nhiệm vụ quan trọng của mỗi giảng viên.
Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của nghiên cứu thực tế đối với giảng viên giảng dạy lí luận chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – cơ quan chủ quản phụ trách chuyên môn đối với hệ thống các trường chính trị tỉnh, thành phố luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao hoạt động này. Cụ thể Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành các quyết định có liên quan đến nhiệm vụ của giảng viên về giảng dạy, về nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, về nghiên cứu thực tế như:
Trường Chính trị tỉnh Gia Lai là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trường có chức năng, nhiệm vụ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương.
Với vị trí, vai trò trung tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của tỉnh, Trường Chính trị tỉnh Gia Lai không ngừng đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cơ quan. Thực hiện nghiêm túc các quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đặc biệt là trong công tác nâng cao chất lượng đội ngủ giảng viên giảng dạy lí luận chính trị cả về lí luận và thực tiễn. Trong những năm qua, nhà trường đã triển khai thực hiện nghiêm túc hoạt động nghiên cứu thực tế đối với giảng viên nhằm gắn kết lí luận với thực tiễn, khắc phục tình trạng “lí luận suông” trong đào tạo lí luận chính trị.
Thực hiện quy định về nhiệm vụ nghiên cứu thực tế của giảng viên trong quy chế giảng viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, hàng năm nhà trường sẽ ban hành kế hoạch nghiên cứu thực tế đối với giảng viên (giảng viên của các khoa chuyên môn và giảng viên kiêm chức đang làm việc tại các phòng chức năng). Trên cơ sở kế hoạch của nhà trường, mỗi giảng viên căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể của mình xây dựng kế hoạch nghiên cứu thực tế cá nhân. Các kế hoạch nghiên cứu thực tế cá nhân của từng giảng viên sẽ được tổng hợp lại thành kế hoạch nghiên cứu thực tế của từng khoa để gửi về Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học tổng hợp trình Hiệu trưởng phê duyệt. Sau khi kế hoạch được phê duyệt Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học cùng với các Khoa sẽ phối hợp với nhau xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ theo như kế hoạch đã được phê duyệt. Kết thúc chuyến đi nghiên cứu thực tế, mỗi giảng viên viết bài báo cáo trình qua Hội đồng Khoa học nhà trường đánh giá và phê duyệt sau đó gửi về Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học lưu trữ.
Nội dung nghiên cứu thực tế gắn với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và nhiệm vụ chính trị mà nhà trường đảm nhận. Tập trung vào các nội dung như: Việc thực hiện chủ trương, đường lối của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương, cơ quan, đơn vị; kết quả đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; kinh nghiệm và bài học xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố an ninh – quốc phòng; Kinh nghiệm và bài học trong triển khai thực hiện các phong trào, các cuộc vận động ở địa phương nói chung, cuộc vận động xây dựng nông thôn mới nói riêng; kỹ năng lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý; tình hình kinh tế- xã hội, quốc phòng – an ninh của các xã, phường, thị trấn, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; những vấn đề nổi cộm, nảy sinh; kỹ năng xử lý tình huống và giải quyết những vấn đề bức xúc ở cơ sở, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình kinh doanh ở địa phương
Về hình thức và phương pháp đi nghiên cứu thực tế có thể đi thành đoàn hoặc cá nhân. Trước khi tiến hành chuyến đi nghiên cứu thực tế, bộ phận chức năng của trường lên hệ với cơ sở về thời gian và nội dung đoàn cần tiếp cận. Đoàn đi nghiên cứu thực tế thực hiện chủ yếu hai nhiệm vụ đó là nghe cán bộ cơ sở báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trên các mặt, các lĩnh vực và thực địa các mô hình kinh tế, các mô hình quản lý xã hội, viếng và nghe thuyết minh ở các khu di tích lịch sử... của địa phương.
Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật nghiên cứu thực tế tại xã Ia Din, huyện Đức Cơ
Thời gian qua, thông qua thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu thức tế ở cơ sở đã giúp giảng viên Trường Chính trị tỉnh Gia Lai mở rộng vốn kiến thức thực tiễn, nắm bắt được tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa ở địa phương, các kỹ năng xử lý tình huống nảy sinh trong thực tế,… đây là nguồn tư liệu quý báu làm cho bài giảng của giảng viên thêm sinh động và phong phú, khắc phục được tình trạng “lí luận suông”, giúp giảng viên tự tin hơn, bản lĩnh hơn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Bên cạnh đó, nghiên cứu thực tế còn giúp giảng viên thực hiện nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, tức là qua việc đi thực địa kết hợp với nghe báo cáo và giải đáp thắc mắc của cán bộ cấp cơ sở giảng viên sẽ phát hiện được những thiếu sót, bất cập trong các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó có những, kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cho phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận, trong quá trình đi nghiên cứu thực tế của giảng viên cũng còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc như: việc giảng viên vừa phải thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, nhiệm vụ nghiên cứu thực tế và một số nhiệm vụ khác nên việc sắp xếp kế hoạch cho việc đi nghiên cứu thực tế gặp nhiều khó khăn, nhất là đi nghiên cứu thực tế theo đoàn. Việc nghiên cứu thực tế đôi khi chỉ dừng lại ở nghe báo cáo từ phía cơ sở nên số lượng thông tin còn chưa đảm bảo tính bao quát và nhìn dưới góc độ nghiên cứu thực tế thì đây cũng chỉ dừng lại ở mức độ nghe báo cáo về mặt lí luận chứ chưa gắn với thực tiễn, làm cho chuyến đi nghiên cứu thực tế có lúc, có nơi chưa đạt kết quả như mong muốn.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và hạn chế những khó khăn, tồn tại nhằm nâng cao hiệu quả nhiệm vụ nghiên cứu thực tế của giảng viên giảng dạy lí luận chính trị, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, khi xây dựng kế hoạch nghiên cứu thực tế cần đảm bảo tính khoa học, tính khả thi cả về nội dung lẫn hình thức, địa điểm và thời gian đi nghiên cứu thực tế. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng liên quan đến chất lượng của nghiên cứu thực tế.
Về hình thức và địa điểm đi nghiên cứu cũng phải phù hợp với nội dung cần nghiên cứu, nhất là những nội dung mang tính đặc thù hoặc đối với nội dung nghiên cứu đối với các mô hình thí điểm. Về nội dung tránh đưa ra những vấn đề nghiên cứu quá rộng lớn hoặc quá chung chung, như vậy nội dung tiếp thu được qua chuyến đi nghiên cứu thực tế không đáp ứng trực tiếp được yêu cầu giảng dạy. Ngoài ra, nội dung nghiên cứu cần tập trung vào những vấn đề mới phát sinh, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, đang được xã hội quan tâm…. Để nắm bắt tình hình thực tiễn, qua đó thực hiện nhiệm vụ tham mưu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách.
Thứ hai, mỗi giảng viên trường chính trị là chủ thể của hoạt động nghiên cứu thực tế. Chính vì vậy, giảng viên cần nhận thức đúng đắn về vai trò và ý nghĩa của nghiên cứu thực tế, từ đó chủ động bố trí, sắp xếp, lập kế hoạch nghiên cứu thực tế cho cá nhân, đăng ký nội dung, thời gian, cách thức, địa điểm đi nghiên cứu thực tế. Mỗi giảng viên cần xây dựng ý thức tự giác, tinh thần thái độ nghiêm túc, cầu thị,… nhằm tiếp thu một cách hiệu quả nhất những vấn đề của thực tiễn làm phong phú thêm nội dung bài giảng.
Thứ ba, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các khoa chuyên môn và phòng quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học ngay từ khâu xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch nghiên cứu thực tế của giảng viên, tránh chồng chéo giữa kế hoạch giảng dạy, kế hoạch thực hiện một số nhiệm vụ khác với kế hoạch đi nghiên cứu thực tế.
Thứ tư, tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Ban Giám hiệu đối với hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên. Sau khi ban hành kế hoạch đi nghiên cứu thực tế đối với giảng viên, Ban Giám hiệu nên có kế hoạch hoặc phân công theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ, kiểm tra, đôn đốc…. Nhà trường cũng cần có sự phối hợp nhận thông tin phản hồi từ cơ sở về vấn đề nghiên cứu thực tế của giảng viên. Trong đánh giá chất lượng sản phẩm hoạt động nghiên cứu thực tế, cần có sự biểu dương khen thưởng đối với những bài báo cáo thực tế chất lượng và cần có hình thức kỷ luật thích đáng đối với những giảng viên không chấp hành nghiêm quy định nghiên cứu thực tế.
Có thể nhận thấy rằng: hoạt động nghiên cứu thực tế ở cơ sở là một nhiệm vụ quan trọng mang tính khách quan, cấp thiết đối với giảng viên của các Trường chính trị, trong đó có Trường Chính trị tỉnh Gia Lai. Nếu làm tốt công tác nghiên cứu thực tế của giảng viên sẽ góp phần xây dựng được đội ngũ giảng viên vững vàng về lý luận, phong phú về kiến thức thực tiễn, thông thạo về kỹ năng, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Nguyễn Thị Hương Giang - Trường Chính trị tỉnh Gia Lai