Trang chủ > Tin tức - Sự kiện > Hoạt động của TCCSĐ trực thuộc > Một số giải pháp trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -

Một số giải pháp trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai

09 Tháng Năm 2023
    
Gia Lai là tỉnh miền núi thuộc khu vực Bắc Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 15.510,13 km2; có 17 đơn vị hành chính cấp huyện (14 huyện, 02 thị xã, 01 thành phố) với 220 đơn vị hành chính cấp xã (182 xã, 24 phường, 14 thị trấn); có 1.576 thôn, làng, buôn, bôn, tổ dân phố (sau đây gọi chung là thôn). Hiện nay, có 176/220 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bao gồm: 104 xã, phường, thị trấn khu vực I (89 thôn đặc biệt khó khăn), 29 xã khu vực II (105 thôn đặc biệt khó khăn), 43 xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn); 09 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 03 xã không phân định khu vực. Dân số trung bình toàn tỉnh là 1.541.437 người, với 44 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số 712.452 người, với 154.226 hộ, chiếm 46,22% dân số toàn tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/ 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 12/NQ-CP, ngày 15/02/2020 của Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 03-NQ/ĐH, ngày 01/10/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Chương trình số 29-CTr/TU ngày 20/01/2022 về Chương trình hành động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai. UBND tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch số 1602/KH-UBND ngày 21/7/2022 về kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành các Nghị quyết, Quyết định về giao vốn giai đoạn và hàng năm.

Chương trình thực hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai bao gồm 10 dự án, 12 tiểu dự án, 13 nội dung với tổng vốn cả giai đoạn 2021 - 2025 là 4.896.972 triệu đồng (Bằng chữ: Bốn nghìn tám trăm chín mươi sáu tỷ, chín trăm bảy mươi hai triệu đồng), trong đó: Vốn ngân sách trung ương: 3.308.350 triệu đồng; Vốn ngân sách địa phương: 646.929 triệu đồng; Vốn vay tín dụng chính sách: 822.148 triệu đồng; Vốn huy động hợp pháp khác: 119.545 triệu đồng và vốn lồng ghép từ Chương trình Kiên cố hóa hạ tầng giao thông và kênh mương trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025 là 500.000 triệu đồng.

Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành, cơ quan cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác triển khai thực hiện; được nhân dân hưởng ứng, các Sở, ban, ngành tỉnh đã kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh. Các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố cơ bản đã giao các nguồn kinh phí giai đoạn 2021-2025, năm 2022, năm 2023 đến các cơ quan, đơn vị theo phân cấp triển khai thực hiện. Kinh phí đã phân bổ để thực hiện Chương trình năm 2022: 672.591 triệu đồng, kinh phí thực hiện giải ngân đến 31/12/2022 là: 188.393 triệu đồng, đạt 28,01% kế hoạch. Kinh phí đã phân bổ để thực hiện Chương trình năm 2023: 863.254 triệu đồng, đến nay các cơ quan, đơn vị, địa phương đang khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình còn thấp: kinh phí giao năm 2022 chậm trễ, thời gian gấp rút, nhiều nội dung thuộc Chương trình chưa có hướng dẫn cụ thể; việc lập các thủ tục hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán còn nhiều vướng mắc; Các cơ quan, đơn vị, UBND cấp huyện còn lúng túng trong quá trình xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện nhiệm vụ cụ thể các Nội dung, Tiểu dự án, Dự án của Chương trình.
Để triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, năm 2023 trên địa bàn tỉnh cần:
- Tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với phương châm sâu sát, quyết liệt. Đẩy mạnh phân cấp, phân công nhiệm vụ gắn với trách nhiệm và quyền hạn cụ thể của các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong quá trình triển khai thực hiện các Dự án trên địa bàn.

- Các Bộ, ngành Trung ương kịp thời ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các Dự án, tiểu dự án.

- Chỉ đạo công tác phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, cơ quan cấp tỉnh, UBND cấp huyện, xã đảm bảo thực hiện hiệu quả các Dự án, Tiểu dự án, Nội dung của Chương trình.

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc; lồng ghép thực hiện có hiệu quả các nguồn lực của Chương trình phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và MN với các Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN từ năm 2021 đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt. Huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình.

- Tiếp tục tuyên truyền mục tiêu của Chương trình sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số nhằm từng bước thay đổi và chuyển biến về nhận thức trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc, khơi dậy ý chí chủ động, tự chủ, vươn lên của người dân tộc thiểu số, nhất là người dân tộc thiểu số nghèo. Thường xuyên tuyên truyên, phổ biến các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với người đồng bào dân tộc thiểu số; vận động Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

- Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng bằng nhiều hình thức, nâng cao năng lực cho các chủ đầu tư, cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bố trí, sắp xếp công chức, người lao động phù hợp với chuyên môn, năng lực, trình độ, sở trường của mỗi người tương ứng với vị trí việc làm.

- Tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và định kỳ báo cáo sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình./.
Ban Dân tộc tỉnh Gia lai