Trang chủ > Tin tức - Sự kiện > Hoạt động của TCCSĐ trực thuộc > Một số giải pháp khắc phục, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI của tỉnh Gia Lai năm

Một số giải pháp khắc phục, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI của tỉnh Gia Lai năm 2021 và những năm tiếp theo

21 Tháng Bảy 2022
Triển khai thực hiện Kế hoạch số 1091/KH-UBND, ngày 05 tháng 8 năm 2021 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc khắc phục, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI của tỉnh năm 2021 và các năm tiếp theo và Nghị quyết 46/NQ-HĐND, ngày 10/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng 5 năm giai đoạn 2021- 2025 của tỉnh Gia Lai với mục tiêu: “Nhằm thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và phục vụ doanh nghiệp, từ đó tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào hệ thống chính quyền, tăng động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển cũng chính là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Phấn đấu chỉ số PCI tỉnh Gia Lai năm 2021 đạt top 25 và đến năm 2025 đạt top 20”.
 

efab4967-c762-400c-98e1-66f3ebe8a08a_810_619.jpg
Doanh nghiệp, người dân đến giao dịch tại trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh

Theo kết quả công bố chỉ số PCI hằng năm từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy: PCI năm 2021 của tỉnh Gia Lai đạt 64,90 điểm, xếp thứ 26/63 tỉnh thành (tăng 1,78 điểm và tăng 12 bậc xếp hạng chung cuộc), xếp thứ 2 của khu vực Tây Nguyên (sau Lâm Đồng 67,17 điểm xếp hạng 15/63. Xếp trên Đăk Lăk 64,20 điểm hạng 34/63, Đăk Nông 61,95 điểm hạng 52/63 và Kon Tum 58,95 điểm hạng 61). Gia Lai là tỉnh có số điểm cao hơn điểm trung vị là 0,16 điểm, chênh lệch giữa Gia Lai và tỉnh có điểm số cao nhất là 8,12 điểm và tỉnh dẫn đầu “nhóm khá” (xếp hạng 13/63) là 2,75 điểm.

So sánh qua các năm từ năm 2017 đến nay của Gia Lai như sau:
+ Năm 2017 với năm 2016: PCI tăng 3,49 điểm, thứ hạng PCI tăng 3 bậc.
+ Năm 2018 với năm 2017: PCI tăng 2,17 điểm, thứ hạng PCI tăng 10 bậc.
+ Năm 2019 với năm 2018: PCI tăng 2,26 điểm, thứ hạng PCI tăng 3 bậc.
+ Năm 2020 với năm 2019: PCI giảm 2,22 điểm, thứ hạng PCI giảm 8 bậc.
+ Năm 2021 với năm 2020: PCI tăng 1,78 điểm, thứ hạng PCI tăng 12 bậc


Nguyên nhân chính làm tăng điểm tổng PCI 2021 của tỉnh Gia Lai đó là sự tăng điểm của 02 chỉ số thành phần (đều có trọng số là 20% trong tổng điểm PCI), đó là: Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (nay đổi thành Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp) và Đào tạo lao động. Năm 2020 cả 03 chỉ số có trọng số là 20% trong tổng điểm PCI đều giảm điểm nên kéo theo sự giảm bậc xếp hạng.

Trên cơ sở đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 2647/SKHĐT-XTĐT, ngày 16 tháng 8 năm 2021 về việc xây dựng Kế hoạch khắc phục, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI của tỉnh Gia Lai năm 2021 và các năm tiếp theo, đồng thời phối hợp với các sở, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp cụ thể sau:

- Tiếp tục duy trì, nâng cao các chỉ số con có mức xếp hạng cao (top 10); tập trung các giải pháp cải thiện các chỉ số con có mức xếp hạng từ 11 đến 63 (chi tiết tại bảng tổng hợp chi tiết chỉ số PCI năm 2020 và phân công nhiệm vụ phụ trách chỉ số con kèm theo Kế hoạch này).

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng không ngừng đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tạo niềm tin đối với người dân và doanh nghiệp. Chú trọng trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giám sát cán bộ cấp dưới trong thực thi công vụ, tiếp xúc, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, người dân.

- Tăng cường hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của bộ máy chính quyền từ cấp tỉnh đến địa phương; rút ngắn khoảng cách và đảm bảo sự chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh đến kịp thời, được thực thi nghiêm túc ở cấp sở, ngành, địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện của cơ quan, đơn vị, xử lý kịp thời các vấn đề phát hiện qua kiểm tra, giám sát. Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực.

- Xây dựng trang thông tin điện tử minh bạch với tất các các thông tin liên quan đến hoạt động của các sở, ban, ngành, địa phương; phục vụ tra cứu, tìm hiểu hoặc tham gia đóng góp ý kiến của người dân và doanh nghiệp; tập trung nhân lực cho chuyên mục hỏi đáp trên trang website, trả lời ngay khi người dân và doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị. Tích cực nắm bắt, giải quyết những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp phản ánh ý kiến, phản hồi về hoạt động của các sở, ban, ngành và địa phương, nhất là phản ánh về tình trạng thiếu trách nhiệm, tiêu cực, nhũng nhiễu, xử lý nghiêm hành vi xử lý công việc trái quy định, gây chậm trễ, thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm khiến doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần khi hoàn thiện thủ tục hành chính, góp phần tạo sự thân thiện, an toàn, minh bạch môi trường kinh doanh.

- Tiếp tục rà soát và công khai minh bạch các thủ tục hành chính (TTHC) nhằm đơn giản hoá, giảm các TTHC không cần thiết và rút ngắn thời gian giải quyết TTCH theo hướng phấn đấu giảm thời gian thực hiện từ 30-70% so với quy định của pháp luật. Tăng cường thực hiện giải quyết TTHC trực tiếp sang giải quyết bằng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo đúng thời gian và trước thời hạn các TTCH trực tuyến; kết quả giải quyết được gửi đến người dân, doanh nghiệp thông qua dịch vụ bưu chính công ích nhằm giảm thời gian đi lại; công khai minh bạch thủ tục hành chính.

- Phát huy và nâng cao hiệu quả Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử gắn với cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; giảm thiểu tình trạng tiếp xúc trực tiếp, không phát sinh chi phí không chính thức, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp.

- Các sở, ngành, địa phương thường xuyên quán triệt, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ công chức để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ trên tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý theo theo quy định và thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân vi phạm các quy định trong thực thi công vụ; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ công chức, viên 5 chức về trách nhiệm, tác phong, năng lực trong thực thi công vụ, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

- Tạo các điều kiện, hành lang, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Đối với các hội nghị sơ kết, tổng kết, các hội nghị lớn, quan trọng, khi xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương cần quan tâm mời, lấy ý kiến của các chi hội doanh nghiệp, doanh nhân ở địa phương. Tăng cường các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp để lắng nghe, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nhất là trong thời điểm đại dịch covid đang diễn biến phức tạp. Nâng cao vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp tỉnh trong việc kết nối thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, hình thành cầu nối cho sự phát triển của doanh nghiệp; thông qua các Hiệp hội doanh nghiệp nắm bắt và có hướng tháo gỡ, xử lý kịp thời các nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp. Qua đó, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước sẽ cùng chung tay cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

- Chủ động rà soát văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hoặc không còn phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội. Việc thực thi nhiệm vụ đảm bảo nghiêm minh, theo đúng quy trình, quy định; giải quyết dứt điểm, kịp thời, thỏa đáng, đúng thẩm quyền các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp, người dân. Các sở, ngành, địa phương phải chủ động phối hợp, xử lý, giải quyết các vấn đề thuộc chuyên ngành và thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền thì phải kịp thời báo cáo, đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc đề nghị bộ, ngành trung ương hướng dẫn.

- Các cơ quan thanh tra, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, công an,... cần chủ động phối hợp rà soát, đảm bảo thống nhất kế hoạch thanh, kiểm tra không trùng lắp; không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp; trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chỉ ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

- Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người dân và doanh nghiệp, hướng dẫn, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời ban hành cơ chế bảo vệ người dân và doanh nghiệp khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm. Kết quả xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm được công khai trên các phương tiện thông tin, đại chúng và trả lời cụ thể cho đối tượng khiếu nại, tố cáo theo quy định.

- Tổ chức rà soát, đánh giá quỹ đất trên địa bàn tỉnh, nhất là quỹ đất sạch và cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, tạo quỹ đất sạch để phục vụ thu hút, kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố khi lập hồ sơ cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án có quỹ đất do nhà nước quản lý theo quy định của Luật đầu tư phải cập nhật vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cập nhật hoặc điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng; có ý kiến thống nhất của Ban Thường vụ các huyện uỷ, thị uỷ và thành uỷ. Sau khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư thì UBND các huyện, thị xã, thành phố phải chủ động giải quyết 6 các công việc có liên quan như xử lý tài sản công hoặc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thu hồi đất (nếu có) để khi có nhà đầu tư thì triển khai được ngay. Đồng thời phải công khai, minh bạch các thông tin có liên quan đến dự án đầu tư đã được chấp thuận trên website của đơn vị để người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.

- Xây dựng kế hoạch hỗ trợ cụ thể, phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho đội ngũ lãnh đạo quản lý doanh nghiệp. Ưu tiên chuyển giao các dự án khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, quảng bá sản phẩm thông qua hội nghị xúc tiến thương mại, giao thương hàng hóa và sàn giao dịch thương mại điện tử.

- Chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Khuyến khích doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh hướng tới phát triển bền vững, trong đó chú trọng các yếu tố bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu,tạo cơ hội việc làm cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

- Thường xuyên cập nhật các thông tin, các mặt làm được, các chủ trương, chính sách của tỉnh, các hoạt động liên quan đến doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của các cấp, các ngành và của tỉnh.

Hy vọng rằng, với những giải pháp nêu trên sẽ góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh. Hơn nữa, còn tạo kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch tiếp nhận ý kiến góp ý nhằm cải thiện mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
   
Đinh Hữu Hoà - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh