Tỉnh Gia Lai là một tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc của khu vực Tây Nguyên, với diện tích tự nhiên 15.510,9 km2; phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, phía Tây giáp Vương quốc Campuchia, phía Nam giáp tỉnh Đắk Lắk, phía Bắc giáp tỉnh Kon Tum, với đường biên giới chạy dài khoảng 80,485 km. Là tỉnh rất đa dạng về đất đai và khí hậu và nhiều điều kiện thuận lợi khác, cùng với quỹ đất lâm nghiệp lớn. Với lợi thế đất lâm nghiệp của tỉnh chiếm gần ½ diện tích tự nhiên, ngành lâm nghiệp của tỉnh có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, như việc cung cấp lâm sản hàng hóa đồng thời có vai trò chức năng bảo tồn các nguồn gen động thực vật quý hiếm, chức năng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường sinh thái giữ đất, giữ nước, chống xói mòn, điều hòa khí hậu cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự cho vùng biên giới quốc gia. Tuy nhiên diện tích đất lâm nghiệp hiện nay trên địa bàn tỉnh chủ yếu là do các tổ chức như Ban quản lý rừng phòng hộ, Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, các công ty lâm nghiệp, đơn vị vũ trang và tổ chức khác quản lý. Diện tích đất lâm nghiệp còn lại hiện chưa giao mà do Ủy ban nhân dân các xã được phân cấp quản lý.
Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra các vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp như phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, …..có những vụ vi phạm diện tích rừng và khối lượng lâm sản bị xâm hại lớn do nhiều nguyên nhân khác nhau, dẫn đến diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh bị suy giảm, cùng với sự diện tích rừng tự nhiên bị mất, môi trường sống của các loài động, thực vật rừng cũng bị thu hẹp, số lượng loài cá thể trong quần thể mất hoặc bị suy giảm đáng kể. Đây là nguyên nhân chính làm cho nhiều loài sinh vật rừng có nguy cơ bị tuyệt chủng, đa dạng sinh học của hệ sinh thái bị suy giảm. Sự suy giảm này kéo theo năng suất lao động cũng như thu nhập nghề nghiệp của một số đối tượng sử dụng có liên quan cũng giảm xuống. Từ đó tạo gánh nặng cho nền kinh tế và trật tự an toàn xã hội.
Để kịp thời chấn chỉnh tình trạng nêu trên, đồng thời nhằm bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có trên địa bàn, các giải pháp cần xác định trọng tâm trong thời gian tới nhằm bảo vệ và phát triển rừng bền vững như sau:
1. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ các nghị quyết, chương trình, kế hoạch trọng tâm của ngành như Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 20/01/2022 của Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế và nâng cao độ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh Gia Lai Giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch số 695/KH-UBND, ngày 30/3/2020 của UBND tỉnh thực hiện Quyết định số 297/QĐ-TTg, ngày 18/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo vệ, khôi phục và phát triển bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 – 2030 tại địa bàn tỉnh Gia Lai; Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Kế hoạch thực hiện Đề án “trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh; Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025.
2. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp: Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp chính quyền tiếp tục truyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, của tỉnh về bảo vệ và phát triển rừng bền vững, nhất là Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư và Chương trình hành động số 38-CTr/TU ngày 29/03/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương về quản lý rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn để tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả theo định hướng phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững. Nâng cao trách nhiệm, tính chủ động của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương với công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, công tác giao đất, giao rừng, thuê đất, cho thuê rừng, quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng; gắn mục tiêu trồng rừng, trồng cây phân tán, cấp chứng chỉ rừng vào kế hoạch phát triển lâm nghiệp hằng năm của các địa phương.
3. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, về chủ trương đóng cửa rừng của Chính phủ; vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, trồng rừng, sử dụng nguồn nguyên liệu thay thế (ván ép, dăm, gỗ cao su, vật liệu công nghiệp…), đồ gỗ gia dụng sản xuất từ nguyên liệu gỗ rừng trồng, chất liệu công nghiệp; tố giác các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng; tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng, tham gia tích cực Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động, phấn đấu bình quân mỗi người dân hàng năm trồng 01 cây gỗ lớn; sử dụng có hiệu quả quỹ đất để trồng rừng, trồng cây phân tán, chuyển đổi cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp để nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, góp phần giảm phát thải nhà kính, chống biến đổi khí hậu. Quản lý chặt các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, tổ chức ký cam kết với các cơ sở mua bán, chế biến gỗ để thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước.
4. Duy trì cung cấp thông tin cảnh báo cháy rừng; khoanh vùng trọng điểm cháy; kiểm tra, phát hiện, xử lý thông tin kịp thời nếu có cháy rừng xảy ra. Tập trung nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, đặc biệt là công nghệ GIS, ảnh viễn thám và thiết bị bay trong quản lý, giám sát tài nguyên rừng. Công tác PCCCR phải được chú trọng, thường xuyên với quan điểm phòng là chính theo phương châm 4 tại chỗ; phân công, phân nhiệm rõ việc đối với các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương để nâng cao trách nhiệm, tính chủ động trong công tác PCCCR. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ rừng và PCCCR; hạn chế tối đa những thiệt hại do cháy rừng gây nên. Đầu tư trang thiết bị hiện đại để ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PCCCR, theo dõi, giám sát tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp.
5. Thực hiện giao đất, giao rừng, cho thuê đất, thuê rừng cho cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức trên diện tích quy hoạch lâm nghiệp hiện do ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, đảm bảo rừng có chủ thực sự. Tập trung kêu gọi đầu tư các dự án lâm nghiệp, tạo lập các vùng sản xuất lâm nghiệp tập trung, thuận lợi cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp; phát triển các mô hình nông lâm kết hợp, phát triển dược liệu, chăn nuôi dưới tán rừng; kết hợp phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc để tạo ra giá trị kinh tế cao nhất.
6. Khẩn trương rà soát các vụ án còn tồn đọng, để giải quyết dứt điểm trong thời hiệu pháp luật quy định, đồng thời giải quyết kịp thời các vụ mới phát sinh, lựa chọn một số vụ án điểm về tội phá rừng, chống người thi hành công vụ để sớm đưa ra xét xử công khai nhằm giáo dục, răn đe các đối tượng khác. Đồng thời tiếp tục thống kê, phân loại các đối tượng vi phạm pháp luật có tính chất chuyên nghiệp để có biện pháp thuyết phục, giáo dục, chuyển hóa đối tượng, theo dõi giám sát chặt chẽ các đối tượng cố tình vi phạm.
7. Hằng năm, các cấp ủy, tổ chức Đảng đưa nội dung kiểm tra, giám sát, thanh tra về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và sử dụng rừng, đất lâm nghiệp; thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch ba loại rừng; việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp vào chương trình công tác để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp sai phạm. Tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng, chốt chặn các điểm nóng thường xảy ra hành vi vi phạm để phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm ngay tại gốc, nhất là tại các vùng giáp ranh, khu vực biên giới, địa bàn còn nhiều tài nguyên, nhiều loại gỗ quý. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
8. Tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp. Tổ chức rà soát, sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức bộ máy các Ban quản lý rừng đặc dụng để quản lý những diện tích rừng đặc dụng được giao phù hợp với diện tích rừng đặc dụng quy hoạch và phù hợp với tình hình thực tế; ban hành Quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
9. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, năng lực của công chức, viên chức, người lao động trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng. Củng cố, nâng cao năng lực lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, đảm bảo hoạt động có hiệu quả đúng theo quy định tại Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ./.

Đảng ủy Chi cục Kiểm lâm