Ngành Thuế triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2019 trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn,
giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực như cao su, cà phê, hồ tiêu,.. chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực, thời tiết không ổn định làm ảnh hưởng chung đến sản xuất, kinh doanh thương mại toàn tỉnh. Ở trong nước, một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng thấp; giải ngân vốn đầu tư công chậm; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường,... cũng tác động một phần đến việc thu ngân sách nhà nước (NSNN).
Năm 2019, dự toán pháp lệnh, chỉ tiêu phấn đấu thu NSNN cả năm Tổng Cục thuế giao tại Quyết định số 238/QĐ-TCT, ngày 21/3/2019 tổng thu nội địa 4.838 tỷ đồng; UBND tỉnh Gia Lai giao tổng thu trên địa bàn cả năm đạt từ 5.000 tỷ trở lên, trong đó tổng thu do cơ quan thuế quản lý là 4.657,3 tỷ đồng. Qua báo cáo nhanh cho thấy, tổng thu cơ quan thuế quản lý 10 tháng đầu năm 2019 ước thực hiện 3.650 tỷ đồng, đạt 86% dự toán Bộ Tài chính, đạt 78% dự toán HĐND tỉnh, tăng 2% so cùng kỳ năm trước.
Để công tác thu NSNN năm 2019 hoàn thành đạt, vượt dự toán được giao và có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả giữa các ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương với cơ quan thuế các cấp, Cục Thuế tỉnh Gia Lai tập trung vào các giải pháp trọng tâm sau đây:
Một là, tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành
Cơ quan Thuế tiếp tục phân tích, đánh giá các nguồn thu để triển khai đồng bộ các giải pháp về thuế nhằm khai thác tối đa nguồn thu phát sinh. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh tiếp tục duy trì Ban Chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, chống thất thu từ cấp tỉnh đến cấp huyện; tiến hành thanh-kiểm tra thuế theo kế hoạch; đôn đốc người nộp thuế nộp ngay vào ngân sách nhà nước các khoản thuế, phí, lệ phí sau kết luận thanh-kiểm tra thu thuế, cũng như nộp kịp thời các khoản thuế sau kết luận kiến nghị tăng thu của kiểm toán nhà nước.
Đối với các khoản thu về đất, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, phối hợp, chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố phải tích cực đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng; tạo quỹ đất để đấu giá, tổ chức xây dựng giá khởi điểm sát giá thị trường. Theo đó, các ngành chủ lực của tỉnh (
Tài chính, Tài nguyên) phải triển khai tốt công tác xây dựng giá đất cụ thể của các dự án thuộc diện phải xác định giá đất cụ thể (trên 10 tỷ), đảm bảo vừa nhanh chóng vừa có chất lượng. Củng cố hoạt động của Hội đồng thẩm định (HĐTĐ) giá đất tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng và đảm bảo các điều kiện hoạt động tốt nhất.
Tập trung đôn đốc các cơ quan tham mưu thực hiện luân chuyển hồ sơ thuê đất, thông tin địa chính, thông tin giá cụ thể…đến cơ quan thuế kịp thời, đầy đủ. Các trường hợp đã được UBND tỉnh quyết định cho thuê đất nhưng chậm đưa đất vào sử dụng, không thực hiện dự án, xin điều chỉnh tiến độ, thu hồi đất…cần phải thực hiện đầy đủ các thủ tục quy định và chuyển cho cơ quan thuế để tính thu bổ sung tiền thuê đất hoặc quyết toán chấm dứt tính tiền thuê đất.
Ngành tài nguyên môi trường cần rà soát để thực hiện thủ tục thuê đất đối với các đơn vị là tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính theo quy định tại điểm I, khoản 1, điều 2 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 và các Nghị định sửa đổi, bổ sung của Chính phủ, quy định về tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước; đôn đốc các doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục liên quan tiền cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản nhằm tham mưu kịp thời để UBND tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên thuộc thẩm quyền UBND tỉnh ban hành đối với các mỏ tài nguyên khoáng sản đã trúng đấu giá năm 2018.
Hai là, chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế
Đến tháng 10, đã thanh tra, kiểm tra được 674 doanh nghiệp, đạt 79,76% kế hoạch năm, bằng 118,66% cùng kỳ năm 2018. Trong đó, công tác thanh tra thuế: Thực hiện thanh tra tại trụ sở người nộp thuế là 64 doanh nghiệp (DN) (4 cuộc dở dang năm trước chuyển sang; 58 DN thanh tra trong kế hoạch và 02 cuộc thanh tra đột xuất), đạt 71,9% so kế hoạch được giao, so sánh cùng kỳ năm trước đạt 118,5% (năm 2018 là 54 DN). Công tác kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế (NNT): Thực hiện 610 doanh nghiệp, (09 cuộc dở dang năm trước chuyển sang; 601 DN gồm: kiểm tra theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất đối với các trường hợp sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản, cổ phần hóa, đóng mã số thuế, chuyển địa điểm kinh doanh và các trường hợp kiểm tra theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền), đạt 79,5% so kế hoạch được giao, so sánh cùng kỳ năm trước đạt 116,9%, (năm 2018 là 514 DN).
Những tháng cuối năm, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động chống thất thu NSNN qua công tác thanh tra, kiểm tra. Theo đó, yêu cầu các phòng chức năng, các chi cục thuế trực thuộc dựa trên kinh nghiệm thực tiễn kết hợp với việc áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin và bộ tiêu chí đánh giá rủi ro, rà soát các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, tập trung vào các ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro, ngành nghề kinh doanh mới, các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, doanh nghiệp kinh doanh lỗ nhiều năm liên tục có dấu hiệu chuyển giá, các hồ sơ hoàn thuế lớn để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, phấn đấu thực hiện thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp đạt tối thiểu tỷ lệ 19 % số doanh nghiệp đang hoạt động. Đồng thời, tiếp tục triển khai hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra thuế; nâng cao năng lực công chức, sắp xếp, bố trí nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế nhằm chống thất thu NSNN hiệu quả.
Ba là, công tác quản lý nợ thuế, tập trung đôn đốc thu hồi nợ đọng
Cục Thuế đã xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2019 đến từng chi cục thuế, trên cơ sở đó, chỉ đạo các chi cục thuế giao nhiệm vụ thu nợ chi tiết đến từng bộ phận quản lý, từng công chức thuế theo từng tháng với mục tiêu giảm số tiền nợ thuế xuống dưới 5% số thu NSNN năm 2019, thu tối thiểu 80% số tiền nợ thuế có khả năng thu tại thời điểm 31/12/2018 chuyển sang; đẩy mạnh các biện pháp đôn đốc thu nợ theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản thi hành, thu đúng, thu đủ và kịp thời nguồn thu phát sinh theo quy định của pháp luật vào NSNN.
Với việc tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý nợ nêu trên, trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng số tiền thuế nợ 17 chi cục thuế đã đôn đốc, thu hồi được 101,3 tỷ đồng tiền thuế nợ, bằng 51 % nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/12/2018, trong đó: thu bằng biện pháp quản lý nợ là 87,7 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 13,6 tỷ đồng.
Hai tháng còn lại, tăng cường phối hợp thường xuyên giữa bộ phận quản lý nợ với các bộ phận thực hiện các chức năng khác như kê khai, thanh tra, kiểm tra thuế; cũng như phối hợp với các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước, cơ quan kế hoạch đầu tư... thực hiện nhiệm vụ đôn đốc thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN; tăng cường thực hiện việc cưỡng chế đối với các trường hợp phải cưỡng chế nợ thuế và công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật...
Bốn là, công tác cán bộ, tổ chức bộ máy
Triển khai Quyết định số 1908/QĐ-BTC, ngày 26/9/2019 của Bộ Tài chính về việc hợp nhất chi cục thuế trực thuộc Cục Thuế tỉnh Gia Lai, theo đó, đã sắp xếp, hợp nhất 9 chi cục thuế thành 4 chi cục thuế khu vực (giảm 05 chi cục thuế). Đây là một công việc mới mẻ, phức tạp, nhiều vấn đề phát sinh. Vì vậy, Cục Thuế đã báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đề án để tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền. Bên cạnh đó, Cục Thuế cũng chủ động kiểm kê, chốt số liệu, giao nhận về tài sản, tài chính, ấn chỉ, hồ sơ lưu trữ, quản lý và sử dụng tài sản của đơn vị có hiệu quả. Xử lý quy trình nghiệp vụ, hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo thông suốt các nội dung quản lý, không ảnh hưởng đến công tác thu ngân sách, cũng như không gây khó khăn, ách tắc cho NNT.
Trong quá trình triển khai thực hiện, ngành Thuế nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ, công chức, người lao động. Tuy nhiên, cũng gặp một số khó khăn, như: bố trí lại cấp trưởng, sắp xếp cấp phó dư thừa; điều kiện làm việc, ăn ở của một số công chức ở chi cục thuế khu vực; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương đối với công tác thuế của chi cục thuế khu vực. Để tránh những tác động trực tiếp đến NNT, Cục Thuế đã chỉ đạo các đơn vị tập trung rà soát danh sách do đơn vị quản lý và sổ bộ thuế để đồng bộ cơ sở dữ liệu quản lý thuế; đảm bảo khi dữ liệu chuyển đổi cơ quan thuế khu vực không bị vướng mắc, dữ liệu phản ánh đúng nghĩa vụ của NNT. Trước mắt, Cục Thuế tiếp tục duy trì các bộ phận quản lý thuế, trực tiếp tiếp xúc với NNT tại các huyện ngoài nơi đặt trụ sở chính, gồm: Bộ phận một cửa để tiếp nhận hồ sơ, thủ tục về thuế; bộ phận trước bạ và thu khác; đội thuế xã, phường, thị trấn để thuận tiện cho việc đôn đốc thu nộp ngân sách…
Phát huy những thành tích đã đạt được năm 2018, với quyết tâm chính trị cao, năm 2019 dù còn nhiều khó khăn, thách thức, ngành Thuế phải thực sự bứt phá, phải chủ động, quyết liệt để hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2019./.
Đoàn Khánh Vân
Bí thư Đảng ủy - Cục Trưởng Cục Thuế tỉnh