Trang chủ > Tin tức - Sự kiện > Hoạt động của TCCSĐ trực thuộc > Nâng cao chất lượng hiệu, quả thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với công tác dân vận chính quyền trên đị

Nâng cao chất lượng hiệu, quả thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với công tác dân vận chính quyền trên địa bàn tỉnh Gia Lai

25 Tháng Mười 2024
     

Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở và công tác dân vận chính quyền trên địa bàn tỉnh Gia Lai đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo được sự đồng thuận, tin tưởng của Nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Đây chính là tiền đề, điều kiện để tiếp đưa Gia Lai ngày càng ổn định và phát triển.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả về thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với công tác dân vận chính quyền, cấp ủy, chính quyền các cấp nghiêm túc tổ chức quán triệt thực hiện các văn bản của Trung ương liên quan đến Quy chế dân chủ ở cơ sở, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và ban hành nhiều văn bản, đề ra các chủ trương, giải pháp quan trọng về thực hiện dân chủ ở cơ sở và công tác dân vận chính quyền để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; tập trung lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị quan tâm đổi mới nội dung, phương thức thực hiện công tác dân vận và thực hiện quy chế dân chủ. Tập trung vào các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân, những vấn đề khó khăn, vướng mắc đặt ra trong thực tiễn, yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, địa phương có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Tập trung lãnh đạo công tác giám sát, khảo sát chuyên đề liên quan đến quyền làm chủ của nhân dân, sau giám sát kịp thời kiến nghị các cơ quan chức năng khắc phục. Đẩy mạnh việc đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri giữa đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.

1.pngĐồng chí Phạm Thị Tố Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế Dân chủ của tỉnh (ở giữa) cùng các đồng chí Ayun H Bút - Tỉnh viên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thái Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị Tọa đàm Nâng cao chất lượng hiệu quả thực hiện dân chủ ở cơ sở và công tác dân vận chính quyền

Các cấp chính quyền thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị; công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến tích cực tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; niêm yết công khai các thủ tục hành chính, các mẫu hồ sơ, quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết, phí và lệ phí theo quy định, giải quyết các ý kiến góp ý của công dân, tổ chức. Thường xuyên đổi mới phương thức thực hiện công tác dân vận theo hướng gần dân, sát dân, học dân, có trách nhiệm với dân; tăng cường tiếp xúc, đối thoại, vận động, thuyết phục trong giải quyết các vụ việc liên quan đến nhân dân với tinh thần cầu thị, tôn trọng và lắng nghe, chia sẻ. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng nền công vụ “Chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả”; xử lý nghiêm minh các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Tập trung thực hiện nghiêm Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, cấp tỉnh đã tổ chức 03 cuộc đối thoại, cấp huyện 17/17 huyện tổ chức 55 cuộc đối thoại; 220 xã, phường, thị trấn tổ chức được 356 cuộc đối thoại. Chất lượng, hiệu quả đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân từng bước được nâng lên, từ đó, tạo môi trường dân chủ, cởi mở, thẳng thắn giữa Nhân dân với cấp ủy, chính quyền. Nhân dân được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, phản ánh, kiến nghị với thái độ tích cực; hiệu quả giải quyết các bức xúc, nhu cầu chính đáng của Nhân dân được kịp thời hơn trước, niềm tin của Nhân dân với Đảng và chế độ được nâng lên. Sau các cuộc tiếp xúc đối thoại, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã ban hành kết luận chỉ đạo các ngành chức năng theo lĩnh vực được phân công giải quyết kịp thời những tồn tại, hạn chế mà Nhân dân phản ánh, kiến nghị. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” từng bước đi vào cuộc sống; thực hiện tốt việc công khai hóa các khoản thu, chi ngân sách của địa phương; tạo điều kiện để nhân dân tích cực tham gia vào việc xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, góp phần tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận xã hội, nâng cao ý thức trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương. Các địa phương tổ chức lấy ý kiến Nhân dân tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa, xây dựng quy ước, hương ước; việc sáp nhập thôn, làng, tổ dân phố; tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính Nhà nước theo từng giai đoạn, với mục tiêu cải cách thể chế, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, tăng cường đội ngũ cán bộ có đạo đức, năng lực chuyên môn; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công; ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý Nhà nước; ban hành bộ quy tắc ứng xử, công bố đường dây nóng, hộp thư góp ý để tiếp nhận thông tin phản ánh của tổ chức và công dân.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện nghiêm túc, theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan nhà nước các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã tiếp 1.351 lượt công dân đến phản ánh, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị. Các ngành, các cấp tiếp nhận 79 đơn (53 khiếu nại, 26 tố cáo); số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết 23 vụ (19 khiếu nại, 04 tố cáo); trong đó: năm 2023 chuyển sang 06 vụ. Đã xác minh, giải quyết xong 18 vụ (15 khiếu nại, 03 tố cáo), đang xác minh 05 vụ (04 khiếu nại, 01 tố cáo).

Các cấp chính quyền đã chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy tắc, quy định về văn hóa ứng xử, nếp sống văn minh nơi công sở và khi tiếp xúc với tổ chức, cá nhân. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao đạo đức công vụ, ý thức phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là bộ phận thường xuyên tiếp xúc với nhân dân; cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân, trách nhiệm trong giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng cao, đảm bảo xử lý nhanh, đúng quy định, tạo được niềm tin của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân.

Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp phối hợp với chính quyền triển khai nội dung theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Xây dựng và đăng ký nội dung, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền hằng năm. Phối hợp tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc cử tri; tăng cường nắm bắt tình hình đoàn viên, hội viên và nhân dân để kịp thời phản ánh, đề xuất với cấp ủy, chính quyền giải quyết những kiến nghị chính đáng của Nhân dân có liên quan đến phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, công tác quy hoạch ở địa phương, việc thực hiện quy ước, hương ước ở thôn, làng.

Công tác phối hợp giữa cơ quan hành chính nhà nước các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Chính quyền các cấp định kỳ làm việc với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội để đánh giá kết quả công tác phối hợp thực hiện công tác dân vận và tình hình nhân dân. Tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu chính quyền các cấp với Nhân dân; ban hành quy chế phối hợp về tham vấn ý kiến Nhân dân trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy định chế độ, chính sách liên quan đến các tầng lớp nhân dân. Ngoài ra, cơ quan hành chính các cấp đã tạo cơ chế để các tổ chức chính trị - xã hội tham gia phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án phát triển kinh tế ở địa phương để bảo đảm việc giám sát và phản biện xã hội thực sự sâu sát, hiệu quả.  

Công tác dân vận vận và việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có tổ chức đảng, đoàn thể tiếp tục được quan tâm thực hiện; tập trung tuyên truyền, phổ biến triển khai công tác dân vận, công tác an sinh xã hội; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động thường xuyên tổ chức hội nghị người lao động theo định kỳ. Tại hội nghị, các ý kiến được phát huy dân chủ, công khai như: tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung và thực hiện các quy định, quy chế của doanh nghiệp; việc thực hiện Quy chế dân chủ tại doanh nghiệp, sự điều hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nội quy lao động; tuyển dụng, sử dụng lao động; định mức lao động; quy chế trả lương, nâng bậc lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; việc tổ chức và hỗ trợ bữa ăn ca tại doanh nghiệp; thực hiện công tác an sinh xã hội…Công tác thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc được quan tâm triển khai. Thông qua đối thoại, các phúc lợi cho đoàn viên, người lao động, quyền lợi được đảm bảo, giúp đoàn viên, người lao động yên tâm công tác, lao động sản xuất.

Có thể nói, triển khai thực hiện có hiệu quả việc thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với công tác dân vận chính quyền trong thời gian qua tại Gia Lai là nhân tố quan trọng, có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị trong việc lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội đảng các cấp đã đề ra, tiếp tục bổ sung lý luận cho bài học “lấy dân làm gốc” vươn lên một tầm cao mới. Trong thời gian, đến cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, tồn tại, hạn chế, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đưa việc thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với công tác dân vận chính quyền ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất hơn nữa, cụ thể đó là: Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở và công tác dân vận chính quyền, trọng tâm là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ; cụ thể hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân phát huy dân chủ; đảm bảo việc triển khai thực hành dân chủ phải thực chất, hiệu quả, tránh hình thức. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân; tăng cường tiếp xúc, đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, thực hiện tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm nâng cao đời đời sống nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành; thực hiện hiệu quả, dân chủ, công khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân. Nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm dân chủ, có hành vi tiêu cực, gây phiền hà cho nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết, công tác khen thưởng, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

2.pngToàn cảnh Hội nghị Tọa đàm Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện dân chủ ở cơ sở
và công tác dân vận chính quyền
Danh Xuân- Ban Dân vận Tỉnh ủy