Trang chủ > Tin tức - Sự kiện > Hoạt động của TCCSĐ trực thuộc > Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh

Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh

21 Tháng Tư 2022
Đại dịch Covid-19 đã khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh bị suy giảm. Nhưng với quyết tâm triển khai thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, của Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành và nhằm hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế sau đại dịch, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước 2022; tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra; tỉnh quyết tâm không điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu đề ra mà tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, bổ sung những giải pháp để thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu đề ra.
 
Cùng với việc các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Tỉnh đã tập trung tháo gỡ triệt để tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa. Tăng cường phối hợp giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nhất là các mặt hàng nông sản. Hỗ trợ các doanh nghiệp thu hút lực lượng lao động quay trở lại làm việc trong các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất nông, lâm nghiệp; xây dựng phương án hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ các địa phương khác... Thường xuyên cập nhật, theo dõi sát thị trường trong nước và quốc tế để cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu, tham mưu các giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa nông sản của tỉnh. Phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị và hợp tác xã tìm các giải pháp hỗ trợ đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chỉ đạo các Sở, ngành phối hợp chính quyền địa phương, Công đoàn Ngành NN&PTNT tỉnh, các doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua, chế biến nông sản. Liên kết Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Đăk Lăk và thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng), hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh (19 siêu thị) và các Sàn Thương mại điện tử (OCOP Gia Lai, Bưu điện Gia Lai, Viettel Gia Lai) để kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân. Với mục tiêu tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vượt khó vươn lên, các Sở, ngành, địa phương nêu cao trách nhiệm, quyết liệt trong thực hiện các nhiệm vụ được giao với tinh thần hợp tác công tư chặt chẽ để phát huy đồng bộ nguồn lực của Nhà nước và doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sàn thương mại điện tử, xây dựng website, phần mềm thương mại điện tử; hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã tham gia mua bán hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử uy tín như: Tiki, Sendo, Lazada, Shopee… Chủ động tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Đặc biệt là phát huy vai trò Tổ công tác đặc biệt của Chủ tịch UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, kịp thời tham mưu, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hỗ trợ lưu thông, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản; hoạt động vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh đảm bảo thông suốt, an toàn, không xảy ra ùn tắc; không quy định thêm các điều kiện, giấy phép làm cản trở lưu thông hàng hóa, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống của người dân và vật tư, nguyên liệu sản xuất; không gây khó khăn cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân. Thời gian qua, tỉnh ta đã ban hành các cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh an toàn, hiệu quả như ban hành Quyết định số 662/QĐ-UBND ngày 05/10/2021 thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động của dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau dịch COVID -19 trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo Quyết định số 38/QĐ-UBND ngày 18/01/2021 về kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ngoài ra UBND tỉnh cũng thành lập 02 tổ công tác kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 793/QĐ-UBND ngày 26/8/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh; Tổ công tác chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giảm tối đa các thủ tục hành chính, thời gian thực hiện đối với dự án đầu tư...
Triển khai Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2196/KH-UBND ngày 31/12/2021 về kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan chức năng phối hợp với các huyện, thành phố thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm. Thực hiện gia hạn nộp thuế theo quy định của Chính phủ cho doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh. Các Chi nhánh ngân hàng cũng như Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động rà soát, cắt bỏ, bãi bỏ nhiều thủ tục nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vay vốn và sử dụng các dịch vụ ngân hàng; điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý (giảm 1% đối với các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ,...) cung cấp nhiều chương trình, sản phẩm tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với nguồn vốn ưu đãi, trong đó có trên 10 chương trình áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức gặp mặt doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm hỗ trợ, tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh...

Với sự quan tâm của Trung ương và sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận tổ quốc và các hội, đoàn thể, tinh thần trách nhiệm cao của các lực lượng, sự tin tưởng, nỗ lực của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nên cơ bản tỉnh Gia Lai đã thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà./.
 Đảng bộ cơ sở Sở Kế hoạch và Đầu tư