Trang chủ > Tin tức - Sự kiện > Hoạt động của TCCSĐ trực thuộc > Giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trong giai đoạn hiện nay

Giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trong giai đoạn hiện nay

16 Tháng Mười Hai 2022
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là một trong ba yếu cố cơ bản cần phải chuẩn bị đầy đủ để góp phần thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thống kê cho thấy, hiện nay ngành giáo dục của tỉnh Gia Lai đang ở trong tình trạng thiếu nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy các môn học mới. Để khắc phục thực trạng này, ngành đã tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện một số giải pháp trước mắt để đảm bảo cho công tác dạy học trong năm học 2022-2023 và những phương án cho các năm học tiếp theo.


Trong năm học 2022-2023, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai có 761 cơ sở giáo dục (trường học), từ cấp mầm non đến các cấp phổ thông, với tổng số 12.104 lớp và 415.318 học sinh. Trong đó gồm 713 trường công lập, có 11.354 lớp, 395.168 học sinh và 48 trường tư thục, dân lập, có 750 lớp, 20.150 học sinh. Tổng số người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông hiện có mặt là 22.505 người, trong đó gồm 1.871 cán bộ quản lý, 18.724 giáo viên 18.274, 1.530 nhân viên và 830 hợp đồng lao động 68.

Mặc dù số lượng học sinh đến trường tăng dần hàng năm, nhưng trong những năm qua, ngành giáo dục vẫn phải thực hiện việc cắt giảm biên chế theo chủ trương của Nghị quyết số 19-NQ/TW. Điều đó dẫn đến tình trạng chung của các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh đã thiếu nhiều giáo viên, nhân viên nay lại càng thiếu trầm trọng hơn. Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp Sở Nội vụ làm việc với các địa phương để tính toán thống nhất nhu cầu giáo viên, nhân viên cho năm học 2022-2023. Theo đó, số còn thiếu so với định mức là 4.528 người, trong đó thiếu 3.016 giáo viên (gồm 1.231 giáo viên mầm non, 817 giáo viên tiểu học, 660 giáo viên THCS, 308 giáo viên THPT) và 1.512 nhân viên.

Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên triển khai thực hiện việc giảng dạy môn Tiếng Anh, Tin học ở lớp 3; môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Môn Tiếng Anh, Tin học ở lớp 3 là các môn học bắt buộc. Số lượng giáo viên 02 môn này ở cấp tiểu học hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy (môn Tiếng Anh hiện có 329 giáo viên, môn Tin học có 134 giáo viên/285 trường có cấp tiểu học). Các môn Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THPT là môn học lựa chọn. Hiện nay, các trường THPT trực thuộc Sở không có giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật nào. Đây cũng là thực trạng chung của hầu hết các trường THPT trên cả nước. Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ tại Văn bản số 5075/BNV-TCBC, các cơ sở giáo dục không được phép hợp đồng giáo viên ngoài chỉ tiêu số lượng người làm việc được giao (100% cơ sở giáo dục công lập tỉnh Gia Lai thuộc loại hình cơ sở giáo dục do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động), do đó không thể hợp đồng giáo viên còn thiếu so với định mức để phục vụ công tác giảng dạy.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra chỉ tiêu tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh đạt 68%. Để đạt được chỉ tiêu trên cần phải bổ sung đủ số lượng, cơ cấu giáo viên, nhân viên theo quy định tại Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT.

Theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị thì năm học 2022-2023 tỉnh Gia Lai được bổ sung 1.244 biên chế giáo viên, gồm: Mầm non 574, Tiểu học 339, Trung học cơ sở 237, Trung học phổ thông 94. Hiện nay, UBND tỉnh đang chờ Bộ Nội vụ thông báo việc phân bổ 1.244 chỉ tiêu số lượng người làm việc được Bộ Chính trị giao để thực hiện quy trình phân bổ cho các địa phương tuyển dụng theo quy định (Theo văn bản số 4600/BNV-TCBC ngày 18/9/2022 Bộ Nội vụ trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Gia Lai).

Việc bổ sung 1.244 chỉ tiêu biên chế cho ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Gia Lai là một chủ trương hết sức kịp thời của Đảng và Nhà nước, góp phần khắc phục việc thiếu giáo viên của tỉnh. Tuy nhiên, để có thể giải quyết bài toán thiếu giáo viên trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện một số giải pháp như sau:

- Rà soát, tổ chức lại các trường mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục; sắp xếp, tổ chức lại các trường phổ thông có quy mô nhỏ trên cùng địa bàn xã hoặc liên xã để hình thành trường phổ thông có nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng địa phương.

- Rà soát, sắp xếp sĩ số học sinh/lớp đến mức tối đa theo quy định của Điều lệ trường đối với từng cấp, bậc học; kiên quyết thu gọn, giảm các điểm trường (gộp các điểm trường gần nhau trên địa bàn xã, liên xã trong cùng huyện) bảo đảm nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, gắn với nâng cao chất lượng giáo dục.

- Ưu tiên nguồn lực ngân sách nhà nước, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục trong lộ trình thực hiện sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp, đặc biệt là các trường ở địa bàn khó khăn, chưa đạt chuẩn mức tối thiểu cơ sở vật chất, các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú chưa đảm bảo các điều kiện thiết yếu phục vụ ăn, ở, sinh hoạt cho học sinh. Tập trung đầu tư phòng học tại các điểm trường trung tâm, trường chính nhằm đáp ứng cơ sở vật chất khi chuyển học sinh từ các điểm trường về.

- Để xử lý tình trạng thiếu giáo viên trong ngành giáo dục, phải đẩy mạnh xã hội hóa các lớp nhà trẻ, mầm non ở những địa bàn thuận lợi, có khả năng xã hội hóa cao; có chính sách thuận lợi để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc thành lập trường mầm non, phổ thông ngoài công lập ở những nơi có điều kiện.

- Thực hiện linh hoạt nhiều giải pháp để sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm biên chế được giao như: Bố trí nhân lực (tuyển dụng, ký hợp đồng lao động, ký hợp đồng thỉnh giảng, biệt phái giáo viên, bố trí 01 giáo viên dạy liên trường, liên cấp, bố trí giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học cấp THCS tăng cường dạy học ở cấp Tiểu học, dạy học trực tuyến ở những nơi đủ điều kiện, ...) đảm bảo đủ giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo lộ trình.

- Phối hợp với cơ sở đào tạo đặt hàng đào tạo liên thông đối với số giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo; đào tạo mới số giáo viên dạy môn Tiếng Anh, Tin học và giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THPTđể chủ động nguồn tuyển trong thời gian đến.

- Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên Tiếng Anh, Tin học nói riêng và đội ngũ giáo viên nói chung theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP (UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tại Quyết định số 1a/QĐ-UBND về thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2021-2025” của tỉnh Gia Lai, Quyết định số 990/QĐ-UBND về thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 1 (2021-2025) của tỉnh Gia Lai).

Hi vọng với những giải pháp và phương án trên, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm của ngành giáo dục và đào tạo, sự đồng thuận, chia sẽ của cha mẹ học sinh, trong thời gian tới tình hình thiếu giáo viên, nhân viên của ngành giáo dục tỉnh Gia Lai sẽ cơ bản được khắc phục, góp phần quan trọng vào thành công của Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Picture1.png
(Khai mạc khóa bồi dưỡng thường xuyên hè cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục năm 2022)
Đảng bộ Sở giáo dục và Đào tạo