Sáng ngày 16/5, Tỉnh uỷ Gia Lai tổ chức trực tuyến sơ kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới (Chỉ thị 38-CT/TW). Dự và chủ trì tại điểm cầu tỉnh Gia Lai, đồng chí Châu Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Trương Hải Long, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; đồng chí Rah Lan Chung, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai. Cùng dự tại điểm cầu của tỉnh có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Lãnh đạo UBND tỉnh, UBMTTQ Việt Nam tỉnh các cơ quan tham mưu giúp việc của Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, BHXH tỉnh, các cơ sở KCB…
Quang cảnh Hội nghị
Nhận thức rõ tầm quan trọng của Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 07/09/2009 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 20/10/2009 để chỉ đạo tổ chức thực hiện trong toàn Đảng bộ và 02 chương trình hành động thực hiện, hàng năm đưa chỉ tiêu BHYT để chỉ đạo trong toàn Đảng bộ tỉnh; HĐND tỉnh ban hành 08 Nghị quyết quy định mức hỗ trợ thêm cho các đối tượng trên địa bàn; UBND tỉnh cụ thể hóa thành các quy định, đồng thời phân công, giao nhiệm vụ các sở, ban, ngành và các huyện, thị thành phố tổ chức triển khai thực hiện.
Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, nhận thức của các cấp, các ngành, người lao động, đơn vị sử dụng lao động và các tầng lớp Nhân dân trong việc tham gia BHYT có những chuyển biến tích cực. Công tác quản lý nhà nước về BHYT được tăng cường; công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp trong thực hiện công tác BHYT có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng KCB BHYT từng bước được nâng lên, người dân từng bước nhận thức được quyền lợi khi tham gia BHYT, được chăm sóc, điều trị sức khỏe ban đầu tốt hơn, do đó số người tham gia BHYT tăng qua từng năm, nếu như năm 2009 - thời điểm bắt đầu thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW, tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh đạt 69,36% thì đến hết năm 2023 tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 91% dân số của tỉnh; đảm bảo việc KCB BHYT cho người dân với tổng chi phí KCB năm 2009 trên 122 tỷ thì đến năm 2023 trên 885 tỷ đồng cho trên 658 ngàn lượt vào năm 2009 và trên 1,72 triệu lượt vào năm 2023. Quyền lợi trong việc khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT không ngừng được cải thiện góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Song bên cạnh đó vẫn hội nghị cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế nhất định, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh chưa thật sự bền vững; chất lượng KCB tuy đã được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được sự hài lòng của người bệnh, tinh thần phục vụ người KCB bằng BHYT của một số cán bộ, nhân viên y tế chưa tốt, ảnh hưởng đến việc phát triển người tham gia; tần suất KCB BHYT còn thấp hơn so với mặt bằng chung toàn quốc; tình hình chậm đóng BHYT vẫn còn tồn tại, có đơn vị không tham gia BHYT cho người lao động hoặc không trích đóng, để nợ đọng kéo dài…
Giám đốc BHXH tỉnh trình bày tham luận tại Hội nghị
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến của đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương trao đổi, thảo luận về các giải pháp, cách làm, mô hình hiệu quả trong thực hiện chính sách BHYT; kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT; vai trò cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, tổ chức thực hiện chính sách BHYT; công tác tham mưu triển khai chính sách BHYT đối với đồng bào dân tộc thiểu số,... Đồng thời, mạnh dạn đề xuất, kiến nghị các cấp, ngành trong việc ban hành chính sách, tiếp tục quan tâm, triển khai tốt BHYT, góp phần đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn kết luận Hội nghị
Kết luận hội nghị, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn ghi nhận và biểu dương những kết quả mà các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương đã đạt được trong tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW và Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Theo Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân và đã ban hành, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, trong đó đặc biệt chú trọng BHYT nhằm giúp người dân khắc phục những rủi ro bệnh tật và giảm gánh nặng chi phí KCB.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới trong điều kiện hiện nay của tỉnh, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: đảm bảo mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe, tiếp cận giáo dục, dịch vụ y tế cơ bản có chất lượng, đòi hỏi phải thực hiện chính sách BHYT bền vững, hướng đến bao phủ BHYT toàn dân, không những đạt độ bao phủ số người tham gia mà còn cần bảo đảm chất lượng, công bằng và hiệu quả cho người dân trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế, đặc biệt là dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung quán triệt và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số bốn nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục tạo sự chuyển biến, thống nhất trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia BHYT để chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, chính sách, pháp luật BHYT, nhất là đối với các nhóm đối tượng được ngân sách tỉnh hỗ trợ mua BHYT và trách nhiệm mua BHYT của người lao động và các đơn vị sử dụng lao động.
Thứ hai, tăng cường quản lý nhà nước về BHYT; cơ quan quản lý nhà nước, ban chỉ đạo các cấp phối hợp chặt chẽ với BHXH ở địa phương thực hiện chế độ, chính sách BHYT quản lý tốt đối tượng tham gia BHYT từ cơ sở; củng cố và tăng cường quản lý Quỹ BHYT theo quy định của pháp luật. Tập trung rà soát, nắm chắc các nhóm đối tượng để có kế hoạch phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHYT để đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra: Đến cuối năm 2025 có 95% dân số tham gia BHYT, trong đó có 98% là người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT.
Thứ ba, tiếp tục cải cách, đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện chế độ, chính sách BHYT. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng KCB, nhất là tuyến cơ sở; nâng cao năng lực, trách nhiệm đội ngũ y, bác sỹ đáp ứng nhu cầu KCB cho Nhân dân.
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW và chính sách pháp luật về BHYT; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt, đi đôi với xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị vi phạm chính sách BHYT đối với người lao động, làm cơ sở tiến tới thực hiện BHYT toàn dân.
Đối với các kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành Trung ương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp Văn phòng Tỉnh ủy tiếp thu, bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo gửi Ban Tuyên giáo Trung ương tổng hợp. Đối với những kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền của tỉnh, giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh tiếp thu, nghiên cứu chỉ đạo tháo gỡ, nếu vượt thẩm quyền tham mưu, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến.
Thu Hà - Đảng uỷ Bảo hiểm xã hội tỉnh